Người dân được quyền chọn đồng ý hoặc không đồng ý với tên gọi thành phố Thủ Đức và việc sáp nhập 3 quận.
Ngày 17/9, lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cho biết người dân 12 phường chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Đề án thành lập thành phố Thủ Đức và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại TP.HCM sắp được phát phiếu lấy ý kiến.Tại buổi họp khẩn về triển khai kế hoạch lấy ý kiến người dân Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch UBND quận, yêu cầu trong ngày 17/9, UBND các phường lập danh sách người được lấy ý kiến và niêm yết tại trụ sở, các khu dân cư.
Chính quyền quận Thủ Đức tổ chức buổi họp khẩn về kế hoạch lấy ý kiến người dân đối với đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: Q.H. |
Đến ngày 20/9, các phường cần hoàn tất việc thành lập tổ lấy ý kiến cử tri cho từng khu phố. Trong ngày 3/10, công tác lấy ý kiến người dân cần thực hiện xong và báo cáo UBND quận Thủ Đức.
Nội dung của phiếu lấy ý kiến sẽ có 2 phần gồm nội dung "sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới" và "đơn vị hành chính mới lấy tên thành phố Thủ Đức". Người nhận phiếu được lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý với mỗi nội dung trên.
Sau khi có kết quả, UBND quận chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo lại UBND TP.HCM cùng Sở Nội vụ trong ngày 7/10.
Tại hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đơn vị hành chính mới sẽ giảm 2 phường so với hiện tại. Thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Trao đổi với Zing ngày trước đó, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định tên thành phố Thủ Đức chỉ là tạm thời, có thể thay đổi trong tương lai. TP.HCM sẽ lấy ý kiến người dân rồi mới quyết định tên chính thức của thành phố Thủ Đức.
Ông Phong cũng cho biết thành phố Thủ Đức sẽ có HĐND thành phố riêng biệt. UBND của 3 quận sẽ sáp nhập vào đầu não duy nhất là UBND thành phố Thủ Đức.
Đăng nhận xét