Trung-Ấn căng thẳng tột độ: Xe tăng hai bên vào tầm bắn, PLA áp sát cứ điểm của Ấn Độ

Yêu Ninh Thuận 03/09/2020

Trung-Ấn tái củng cố lực lượng ở biên giới


Tờ Business Today (Ấn Độ) đưa tin, căng thẳng biên giới giữa Trung-Ấn dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực đông Ladakh tiếp tục theo thang sau vụ đụng độ hồi cuối tuần qua. Quân đội hai nước đã di chuyển các đội xe tăng vào trong tầm bắn của đối phương tại hồ Pangon Tso.

Các nguồn tin của BT tiết lộ, xe tăng của Trung Quốc và Ấn Độ đã lọt vào tầm bắn của nhau trong khi các cuộc đối thoại quân sự được tiến hành ngày 1/9. Xe tăng cùng phương tiện bọc thép của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bố trí gần chân đồi Kala Top - cao điểm do lực lượng Ấn Độ kiểm soát.

Quân đội Trung Quốc cũng triển khai các xe tăng hạng nhẹ và nặng trong khu vực.

Lực lượng Ấn Độ được mô tả là "vũ trang tận răng" với đầy đủ yểm trợ về pháo binh và xe tăng. Nỗ lực di chuyển xa hơn các máy móc thiết bị và xe tăng của PLA đã bị ngăn lại bởi các vị trí then chốt nằm trong tay Lực lượng đặc nhiệm tiền tuyến (SFF) của Ấn Độ tại Kala Top, cũng như các đơn vị của Ấn tại nhiều điểm cao khác.

Trong khi đó, một trung đoàn xe tăng của Ấn Độ đã được bố trí tại vùng đồng bằng nằm ở phía tây nam điểm nóng giữa Spanggur Tso và Chushul.

Đối thoại cấp lữ đoàn trưởng giữa Trung-Ấn bắt đầu từ 9h sáng ngày 1/9 (giờ địa phương) tại Moldo nhằm hòa dịu tình hình, một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ cáo buộc PLA có "những động thái quân sự khiêu khích" với mục đích "đơn phương" thay đổi nguyên trạng khu vực bờ nam hồ Pangong Tso vào đêm 29, rạng sáng 30/8.

New Delhi khẳng định lực lượng nước này đã "ngăn chặn" được hành động của Trung Quốc. Vụ việc ngày 30/8 được ghi nhận là sự cố nghiêm trọng đầu tiên từ sau vụ đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan hôm 15/6, khiến 20 binh lính Ấn Độ tử vong.

Trung-Ấn căng thẳng tột độ: Xe tăng hai bên vào tầm bắn, PLA áp sát cứ điểm của Ấn Độ
Ảnh: AP

Rộ tin 1 lính đặc nhiệm Ấn Độ tử trận


Reuters ngày 2/9 dẫn lời 3 quan chức chính phủ Ấn Độ nói rằng 1 thành viên SFF đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương nghiêm trọng trong vụ đụng độ gần hồ Pangong Tso mới đây.

Theo các nguồn tin và thân nhân, người tử vong là ông Tenzin Nyima, 53 tuổi. Có rất ít chi tiết công khai về SFF, lực lượng bí mật được thiết lập không lâu sau chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Hai quan chức Ấn Độ ước tính lực lượng này có quy mô khoảng 3.500 người.

Cựu cố vấn chính phủ Ấn Độ về các vấn đề Tây Tạng, Amitabh Mathur, mô tả SFF là "lực lượng tinh nhuệ, đặc biệt trong điều kiện miền núi và chiến trường vùng cao".

"Không có gì đang ngạc nhiên khi họ (SFF) được triển khai ở vùng cao. Họ là những nhà leo núi và lính đột kích xuất sắc," ông nói.

Trung-Ấn căng thẳng tột độ: Xe tăng hai bên vào tầm bắn, PLA áp sát cứ điểm của Ấn Độ
Các binh sĩ Ấn Độ ở khu vực biên giới Trung-Ấn. Ảnh: Business Today

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, ngày 2/9 nói rằng bà không ghi nhận thông tin có binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ mới nhất ở biên giới hai nước.

"Dường như tôi có đọc một báo cáo dẫn nguồn truyền thông Ấn Độ, nói rằng một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng do bị chính phương tiện của họ đâm vào trong một tai nạn," bà Hoa nói.

Bà Hoa cũng tuyên bố "phản đối bất kỳ nước nào, bao gồm Ấn Độ, hỗ trợ các hoạt động ly khai của các lực lượng ủng hộ Tây Tạng độc lập hoặc cung cấp bất kỳ viện trợ hay không gian nào cho họ", đề cập thông tin SFF chiêu mộ nhiều thành viên là người Tây Tạng đào tẩu.