“Hồ trên núi” là một Phó Đức Phương cuồn cuộn, dữ dội. Nhưng ông cũng là tác giả của câu hát dịu êm về Kinh Bắc: “Trên quê hương quan họ (i) một làn nắng cũng mang điệu dân ca”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi vào sáng 19/9 sau thời gian chống chọi bệnh hiểm nghèo. Ông phát hiện bệnh muộn, nhưng đã là một chiến binh, mà như bạn bè thân thiết của ông nói, vô cùng lạc quan và mạnh mẽ.Cách đây hơn hai tháng, người thân và bạn bè của nhạc sĩ tổ chức live show Khúc hát phiêu ly để tôn vinh âm nhạc Phó Đức Phương.
Mỹ Linh là một trong những ca sĩ tham gia. Diva đã trực tiếp đến gặp nhạc sĩ để được thị phạm ca khúc Một thoáng Tây Hồ. Màn thị phạm kéo dài 40 phút trên giường bệnh, mà như tiết lộ của nữ ca sĩ, giọng của ông khi ấy vẫn rất hào sảng.
Đằng sau một Phó Đức Phương khó tính
Giới làm nghề vẫn nhận xét Phó Đức Phương là người khó tính, nhất là trong âm nhạc. Đa số đều ưng thuận với màn thể hiện của Mỹ Linh với Trên đỉnh Phù Vân. Thậm chí, một số xử lý về thanh nhạc của diva trong ca khúc được xếp vào hàng kinh điển, như thước ngọc khuôn vàng trong nhạc dân gian đương đại. Song, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn có điểm không hài lòng.
Sinh thời, ông không thực sự ưng thuận với cách Mỹ Linh đưa ca trù vào ca khúc. Nhưng nhạc sĩ vẫn đánh giá nữ ca sĩ đã hát rất tuyệt vời sáng tác của mình.
Không chỉ Mỹ Linh, mà ngay cả nhiều giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu khác như Thanh Lam hay Tùng Dương, đôi khi vẫn có những sáng tạo hoặc quên nốt khiến cố nhạc sĩ chưa hẳn hài lòng.
Nhưng sự khó tính ấy có lẽ đến từ ứng xử của một người hết mình, thậm chí là sống chết với âm nhạc. Nhạc sĩ thường không ngại thị phạm cho ca sĩ vì ông tôn thờ từng nốt nhạc đã viết. Mà sự tôn thờ ấy được cho là đến từ tư duy một người học toán.
Thanh Lam nói trong âm nhạc của Phó Đức Phương có tính chất toán học, còn Tùng Dương thì kể rằng nhạc sĩ từng nói với anh: “Hát thì tớ không bằng cậu, nhưng tớ… giỏi toán hơn”.
Phó Đức Phương trên sân khấu live show Trên đỉnh Phù Vân năm 2016. |
Tính chất toán học thể hiện ở chỗ Phó Đức Phương tính toán rất chuẩn mực và kỹ lưỡng đến từng nốt nhạc, đặt để sao cho phù hợp với giọng hát của ca sĩ. Nhưng mặt khác, những sáng tác của Phó Đức Phương bao giờ cũng tạo ra những biên độ rộng cho ca sĩ xử lý và sáng tạo.
Có những sáng tạo nhạc sĩ có thể chưa thực sự nhất trí, nhưng chính những khán giả yêu mến âm nhạc Phó Đức Phương lại vẫn có thể chấp nhận. Trở lại Trên đỉnh Phù Vân, sau nhiều năm, Mỹ Linh hát ca khúc vẫn rất hay, trong đó được khen ngợi nhất là màn thể hiện ở đêm nhạc Master of Symphony hồi 2015.
Nhưng ngoài Mỹ Linh, ca khúc cũng là dấu mốc của không ít ca sĩ khi bước vào nghề, ví như Hương Tràm. Màn trình diễn của Hương Tràm trong đêm chung kết The Voice 2013 rất khác biệt so với Mỹ Linh, nhưng cũng đủ thuyết phục theo cách riêng.
Hay như khi Tùng Dương hát Trên đỉnh Phù Vân ở live show Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng, đó là một màu sắc rất khác nhưng cũng rất hấp dẫn. Có thể thấy trong khuôn thước vẫn ẩn chứa nhiều đất để các chất giọng, phong cách khác nhau thể hiện và sáng tạo.
Không phải ngẫu nhiên mà sáng tác của Phó Đức Phương rất được ưa chuộng ở những cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp, dù thị trường đã tạo ra không biết bao nhiêu tác giả trẻ và thời thượng.
Nói như Thanh Lam, những sáng tác của cố nhạc sĩ hoàn hảo về mặt kỹ thuật, còn như đánh giá của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long thì: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương ôm Tùng Dương sau khi nam ca sĩ thể hiện ca khúc Hồ trên núi ở Hòa nhạc Điều còn mãi 2016. Ảnh: Việt Hùng. |
Phó Đức Phương: Dữ dội và dịu êm
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê ở Văn Giang - Hưng Yên. 18 tuổi, ông học khoa Toán ở trường Sư phạm. Đến năm 22 tuổi, ông mới chuyển sang học nhạc và có sáng tác đầu tay mang tên Những cô gái quan họ.
Ca khúc rất đỗi dịu dàng và nên thơ về vùng Kinh Bắc, cũng là quê ngoại của nhạc sĩ. Là “lúa xanh mướt đồng”, chiều nắng Đông Hồ, là sông Cầu “nghìn năm dệt nên trang sử”. Hơn cả, một câu hát đã làm xiêu lòng biết bao người dân Hà Bắc: “Trên quê hương quan họ (i) một làn nắng cũng mang điệu dân ca”.
Âm nhạc của Phó Đức Phương gắn bó mật thiết với Đồng bằng Sông Hồng, trong đó nổi bật là thiên nhiên, cảnh sắc và con người.
Phó Đức Phương cũng có năm ca khúc về sông và có số lượng bài tương đương về hồ. Trong đó, những bài hát nổi tiếng có thể kể đến như Chảy đi sông ơi, Con sông tuổi thơ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Lội dòng sông quê…
Nhiều người nhận xét nhạc sĩ có cả chất dữ dội lẫn dịu êm trong âm nhạc. Không ít sáng tác cuồn cuộn như dòng chảy, nhưng có khi ông lại đem tới chất lãng mạn, nhẹ nhàng. Một số ma mị, giàu tính đương đại, nhưng cũng lại có cả những lời thủ thỉ như: “Theo em anh thì về / Theo em anh thì về thăm miền quê / Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về (Về quê).
Nhưng điểm chung lớn nhất là chất dân gian nổi bật. Chất dân gian Bắc Bộ lắng vào từng nốt nhạc, giai điệu, ca từ và huyết quản âm nhạc. Đó cũng là tính chất khiến ông trở thành màu sắc khác biệt trong “Tứ quái sông Hồng” (Bộ tứ sông Hồng).
Đêm nhạc tôn vinh các sáng tác của Phó Đức Phương diễn ra vào đầu tháng 7 vừa qua. Ảnh: Tùng Đoàn. |
“Bộ tứ sông Hồng” là cách mà dân nhạc gọi Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường. Nhạc sĩ Trần Tiến từng nói với người viết rằng tên gọi xuất phát từ một bức ảnh chung do nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha chụp ở Tây Hồ. Sau đó, báo giới gọi bốn người là "tứ quái sông Hồng".
Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết lứa cùng thời còn nhiều nhạc sĩ nổi bật, nhưng đúng là bốn người hợp nhau nhất. Trong khi với giới quan sát, cách gọi "tứ quái" còn như một sự công nhận trước đóng góp của Dương Thụ - Phó Đức Phương - Trần Tiến - Nguyễn Cường cho một thời kỳ của nhạc Việt.
Bốn người là bốn màu sắc hoàn toàn khác nhau. Dương Thụ lãng mạn, dịu dàng; Nguyễn Cường cuồng nhiệt, đại ngàn; Trần Tiến tự sự, du ca; trong khi Phó Đức Phương dữ dội, dịu êm.
Âm nhạc của "bộ tứ" gắn liền với những giọng ca được đánh giá là đẹp nhất của dòng nhạc nhẹ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần, Siu Black, Tùng Dương, Bằng Kiều... Những ca khúc rất Việt Nam, thoát thai từ chất liệu văn hóa, con người và cuộc sống Việt đã chinh phục nhiều thế hệ thính giả.
Âm nhạc Trần Tiến như màu vàng thổ của hoàng hôn trên biển, Nguyễn Cường mang màu xanh của núi rừng. Dương Thụ là bông hồng phai nhìn qua khung cửa, bên trên là họa mi cất tiếng hót trong mưa. Còn Phó Đức Phương có lẽ lắng mình trong màu của phù sa những con sông. Có thể sông Cầu quê ngoại của ông, mà cũng có thể là sông Hồng, sông Cái hay chỉ đơn giản là con sông hiền hoà, "chở đầy nước ngọt và ấp ôm bến bờ xứ sở".
"Sông mấy ngàn năm tuổi mà sao sông trẻ mãi không già". Những con sông còn mãi, cũng như giá trị âm nhạc đích thực sẽ còn mãi.
Đăng nhận xét