Hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo ở khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa

text 20/09/2021
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của VN..
Hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo ở khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Du khách khám phá hệ sinh thái rừng tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Việc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa ở Ninh Thuận được UNESCO công nhận thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

Đây cũng là cơ hội để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị quý giá của của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với 1 vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á.

Hệ sinh thái rừng ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700-800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng.

Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn; lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn...

Với những đặc trưng rất riêng này, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn được xem là "Thảo nguyên cây gai" có một không hai ở Việt Nam.

Hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo ở khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
Vọoc Chà Vá chân đen, loại động vật quý hiếm sinh sống tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa cần được bảo vệ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bên cạnh thực vật thì hệ động vật cũng khiến nhiều người phải trầm trồ, kinh ngạc với 765 loài bao gồm: thú, chim và bò sát lưỡng cư. Trong đó, 46 loài động vật quý hiếm như Voọc Chà Và chân đen, Gà Tiền mặt đỏ, Ếch cây Trung bộ, sơn dương, Rùa núi vàng, Beo lửa, Gấu ngựa,…được ghi tên vào trong Sách đỏ và được ưu tiên bảo tồn.

Phần biển trải dài 7.352ha nên hệ sinh thái dưới nước của rừng quốc gia Núi Chúa cũng không kém phần phong phú. Nhất là hệ san hô cực kỳ trù phú về số lượng với 350 loài: 304 loại san hô cứng tạo rạn và 46 loài mới cũng như rất đa dạng về màu sắc. Tiếp đến là hệ rong biển với 188 loài, nổi bật nhất là ngành Rong đỏ với 79 loài, cá có số lượng là 147 loài, thân mềm là 115 loài và giáp xác có 80 loài.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm. Các công trình kiến trúc tháp Chăm huyền bí gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghinăng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara; làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc có truyền thống lâu đời.

Với những lợi thế vốn có từ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn phong phú đa dạng, sự kết hợp giữa giá trị đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa đã hội tụ đủ các yếu tố, tiêu chuẩn để Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học

Để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng phát huy các giá trị sinh thái, nhân văn của Khu dự trữ sinh quyển thông qua các hoạt động du lịch để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nội lực phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng.

Hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo ở khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa
San hô ở vùng biển ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Việc phát triển này tuân theo nguyên tắc không làm thay đổi cảnh quan, không gây tác động xấu đến tài nguyên động, thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Bên cạnh đó, Khu dự trữ sinh quyển chú trọng tuyên truyền, tập huấn về du lịch sinh thái cho nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng việc khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa vừa được UNECO công nhận đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là cơ hội đột phá để đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang lưu ý thời gian tới tỉnh Ninh Thuận cần xác định rõ việc bảo vệ, duy trì cũng như phát huy những giá trị của các khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là rất cần thiết.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đề nghị tỉnh Ninh Thuận đưa ngay việc phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị của Núi Chúa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho rằng như vậy mới có thể duy trì giá trị khu dự trữ sinh quyển này theo hướng bền vững.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng tạo nhiều cơ hội để tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu...; đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới không đơn thuần chỉ là danh hiệu, mà tạo tiền đề để các địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế-xã hội và sinh kế của người dân, điều này càng đặc biệt quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

text