Ảnh minh họa. |
Toàn huyện Ninh Sơn có 8 HTX, với số thành viên 365 người; trong đó, có 7 HTX nông nghiệp và 1 HTX tiểu thủ công nghiệp. Với mục tiêu là ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện đã chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Huyện tạo điều kiện để các HTX phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn, nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các HTX đổi mới về tổ chức, hoạt động để thích ứng với cơ chế thị trường.
Trong 9 tháng năm 2021, kinh tế HTX trên địa bàn huyện duy trì việc làm ổn định cho các thành viên, người lao động, với tổng doanh thu đạt trung bình 1 HTX khoảng 400 triệu đồng/tháng và lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt 3-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Đỗ Tiến Cao, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thương mại Tân Lập (xã Lương Sơn), cho biết: Những năm trước, khi HTX mới được hình thành nhiều hộ dân còn do dự không tham gia, nhưng sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, bà con nhận thấy tầm quan trọng HTX nên đã mạnh dạn tham gia. Hiện nay, HTX liên kết với Tập đoàn Sản xuất nông nghiệp Lộc Trời (An Giang) tổ chức sản xuất lúa giống. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.
Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, nhưng các HTX trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã chủ động khắc phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị. Thời gian tới, các HTX trên địa bàn chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đăng nhận xét