Việc phát triển dự án điện sử dụng khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển mạnh mẽ vùng động lực phía Nam của tỉnh.
Thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ, trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và nghiên cứu phát triển Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná với quy mô phù hợp.
Ninh Thuận đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025-2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Nhằm phục vụ cho Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, công trình Cảng biển tổng hợp Cà Ná đang được khẩn trương đầu tư xây dựng. |
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trước đây, Ninh Thuận đã được chọn để phát triển nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), tuy nhiên theo chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng điện hạt nhân.
Do đó, việc thay thế công suất điện hạt nhân bằng 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 là thật sự cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trong giai đoạn tới.
Theo Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 8-12-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 49.000 tỷ đồng. Quy mô đầu tư dự án có 4 hạng mục chính, gồm xây dựng 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; xây dựng hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu gồm xây dựng cảng nhập LNG; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1; thi công hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải, xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật...
Theo Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 13-9-2021 của UBND tỉnh về điều chỉnh tiến độ Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW, dự kiến tiến độ đầu tư dự án hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý II-2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II-2026.
Cảng tổng hợp Cà Ná đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. |
Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các nội dung về kho cảng LNG, tổng mặt bằng, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đối với các trung tâm điện lực Cá Ná.
Mặt khác, hướng dẫn các nội dung về giá điện theo quy định trong tổng thể các nguồn điện sử dụng LNG sẽ phát triển trong giai đoạn tới để phát triển đồng bộ các trung tâm điện lực, đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả chung hệ thống điện quốc gia.
Chính phủ cũng giao UBND tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG tại địa phương, đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.
Với tinh thần khẩn trương và cấp bách về tiến độ triển khai dự án, tỉnh Ninh Thuận đã duyệt và công bố dự án mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Qua tìm hiểu nguyện vọng của người dân xã Phước Diêm, đa số người dân nơi đây rất đồng thuận và mong dự án sớm được triển khai để bà con an tâm ổn định đời sống. Niềm vui lớn hơn của người dân nơi đây là niềm tin về tương lai, thế hệ con cháu có hướng phấn đấu trở thành đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, có thu nhập tăng khi được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná.
Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: "Với sự đồng thuận cao của người dân, Thuận Nam sẽ là trung tâm phát triển năng lượng của tỉnh Ninh Thuận. Hiện tại, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng vùng tái định canh, định cư cho người dân trong vùng dự án. Đây là cơ hội để Thuận Nam vươn lên trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh trong tương lai."
Anh Tuấn - NTO.
Đăng nhận xét