9 tháng qua, GDP cả nước chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong bức tranh toàn cảnh đó, Ninh Thuận nổi lên như một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao đến 9,45% so với cùng kỳ. Lực đẩy mạnh mẽ nhất làm nên thành công của Ninh Thuận đến từ nhóm ngành năng lượng tái tạo – một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Trong khó khăn mang tính lịch sử của năm 2021, thêm lần nữa minh chứng con đường đúng đắn mà Ninh Thuận đã lựa chọn trong thực hiện chiến lược phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.
Là xứ sở của nắng và gió, cách đây 10 năm, Ninh Thuận đã chọn cho mình con đường đi riêng đầy táo bạo và độc đáo: trở thành Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia. Với những tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận, mục tiêu này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. |
Với chính sách ưu đãi, trải thảm đỏ dành cho các nhà đầu tư, Ninh Thuận đã thu hút một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong việc phát triển các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Đặc biệt, sau khi có Quyết định 11, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam và Nghị quyết 115 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023, Ninh Thuận đã tạo ra sự bứt phá về phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 35 dự án điện mặt trời và 7 dự án điện gió, với tổng công suất hơn 2.930 MW. Ngoài ra, có 4 dự án điện gió đang chạy thử, phấn đấu hòa lưới điện quốc gia vào cuối tháng 10/2021.
Một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là Tập đoàn Trung Nam, với 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời tổng công suất 852,15 MW; bao gồm Nhà máy điện mặt trời Trung Nam công suất 204 MW; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW; Nhà máy điện gió Trung Nam công suất 151,95 MW và Nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên hải 1 (điện gió số 5 Ninh Thuận) công suất 46,2 MW.
Nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên hải 1, Ninh Phước, Ninh Thuận. |
Đặc biệt, Tổ hợp năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam thực hiện tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc được xem là một trong những mô hình sáng tạo về kết hợp đa mục tiêu trong phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây là Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió lớn nhất và duy nhất tại Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại với quy mô tổng công suất trên 355 MW, nhằm khai thác tối đa phần diện tích đất phía dưới các Tuabin trụ gió để làm điện mặt trời. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai hoang hóa, thiếu nước tưới, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Năm 2021, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn hoạt động của các nhà máy, các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nam đã thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trong các hoạt động vận hành, xây dựng. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã bố trí cho đội ngũ công nhân, kỹ sư làm việc “3 tại chỗ” và thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng dịch. Qua đó, Tập đoàn Trung Nam đã hoàn thành xây lắp, đưa vào vận hành thương mại nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên hải 1 và duy trì hiệu quả hoạt động của 3 nhà máy với sản lượng cung ứng lên lưới điện quốc gia trong 8 tháng năm 2021 hơn 1,2 tỷ kWh, nộp ngân sách Nhà nước hơn 249 tỷ đồng, góp phần ổn định đời sống, việc làm cho hơn 340 lao động và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Một trong những mô hình kết hợp đa mục tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển nguồn năng lượng, phải kể đến mô hình sản xuất muối công nghiệp kết hợp phát triển điện mặt trời, điện gió tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam của Tập đoàn BIM. Với quy mô công suất 330 MW điện mặt trời và 88 MW điện gió, các dự án được triển khai thực hiện trên các diện tích sản xuất muối trước đây, hiện nay không tiếp tục thực hiện do ảnh hưởng nhiễm mặn các khu vực lân cận. Việc thực hiện mô hình sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối của BIM Group góp phần khai thác hiệu quả các diện tích đất muối không sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đóng góp cho điện lưới quốc gia khoảng 1 tỷ kWh/năm.
Đang có rất nhiều dự án điện gió tại Ninh Thuận. |
Trong năm 2021, việc phát triển các dự án năng lượng mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là đối với 8 dự án điện gió cần phải hoàn thành trước ngày 01/11/2021 để được hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định 39 của Chính phủ, ảnh hưởng của dịch bệnh càng rõ ràng hơn. Thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tất cả 8 dự án điện gió đa số đang tiến hành xây lắp.
Do dịch bệnh, mọi khâu trong quá trình thực hiện dự án, từ việc nhập khẩu thiết bị, tổ chức thi công, lắp ráp, mời chuyên gia nước ngoài sang vận hành thử nghiệm và tổ chức nghiệm thu đều bị chậm so với dự kiến. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, các sở ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã tập trung hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư các dự án. Qua đó, tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành và hưởng ưu đãi từ chính sách của Chính phủ theo thời gian quy định.
Tại Dự án Nhà máy điện gió 7A của Tập đoàn Hà Đô, chủ đầu tư đã tập trung mọi nguồn lực, huy động thiết bị, nhân lực đến Ninh Thuận để phục vụ cho dự án. Với sự chủ động của nhà đầu tư, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, cuối tháng 9 vừa qua, chủ đầu tư đã hoàn thành hòa lưới điện quốc gia, vận hành thương mại tất cả 12 trụ điện gió với tổng công suất 50 MW.
Sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã đưa Ninh Thuận từ một địa phương gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, vươn mình trỗi dậy trở thành thủ phủ năng lượng của Việt Nam. Đặc biệt, trong tình hình nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, sự bứt phá của lĩnh vực công nghiệp năng lượng đã bù đắp cho ngành du lịch, dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này được thể hiện rõ nét trong 9 tháng năm 2021, kinh tế Ninh Thuận vẫn chuyển biến tích cực và tăng trưởng cao, trong đó: tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt tăng 9,45%; thu ngân sách ước đạt 3.319 tỷ đồng, bằng 85,1 % kế hoạch năm.
Không những góp phần chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế ngành nghề, đem về nguồn thu lớn cho ngân sách, các dự án năng lượng sạch đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong khi nhiều địa phương phía Nam phải giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lao động bị mất việc, ngừng việc, thì tại các dự án năng lượng của tỉnh Ninh Thuận, người lao động vẫn được đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định với mức lương khá so với mặt bằng tại địa phương.
Xác định phát triển năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo đòn bẩy để đưa Ninh Thuận cất cánh, Ninh Thuận quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hướng tới mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ban ngành phối hợp với bộ, ngành trung ương tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW; trong đó, điện mặt trời 8.648 MW, điện gió 5.240 MW, thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, điện khí LNG Cà Ná 6.000 MW, thủy điện vừa và nhỏ 362 MW.
Thực tế đã chứng minh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi bền vững và hiệu quả của Ninh Thuận để vươn lên từ chính những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng tinh thần và quyết tâm đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, Ninh Thuận đang hướng tới những mục tiêu hành động cao hơn để tiếp tục tạo ra sự “bứt phá, tăng tốc và hiệu quả”, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Trung tâm năng lượng của quốc gia.
Đăng nhận xét