Qua hơn 2 năm, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn năng suất lúa liên tục tăng, giúp đồng bào Raglai nơi đây thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Từ đó, giúp đồng bào Raglai từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Anh Chamaléa Khuê là một trong 58 hộ đầu tiên ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Từ những khoanh ruộng nhỏ, nhiều vị trí khác nhau, giờ được anh đầu tư san ủi, chỉnh trang bờ thửa thành 7 sào ruộng. Điều anh Khuê phấn khởi nhất là sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, năng suất các vụ liên tục tăng. Từ 4,5 tạ/ sào vụ đầu tiên, đến nay, năng suất lúa đã đạt 6 tạ/ sào.
Cánh đồng lúa mẫu lớn ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Ảnh: NTV. |
Mô hình cách đồng mẫu lớn ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái với diện tích 24ha. Không chỉ sản xuất đồng loạt với cùng quy trình canh tác, đồng bào Raglai xã Phước Chính còn được hướng dẫn các quy trình kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao hơn nhiều so với cách làm trước đây.
Bà Patau Asah Thị Giem, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chính, huyện Bác Ái cho rằng: Thành công từ mô hình sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp đồng bào Raglai thay đổi tập quán sản xuất mà còn góp phần cho địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, việc gieo đồng loạt một loại giống và cùng thời gian còn giúp nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất.
Sau khi thí điểm thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Phước Chính, huyện Bác Ái đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng và Phước Tân, chủ yếu là sản xuất lúa và đậu xanh. Huyện Bác Ái xác định, việc người dân miền núi sản xuất cách đồng mẫu lớn sẽ là cơ hội để các địa phương vùng đồng bào Raglai thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống.
Liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang là đòi hỏi, hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, ở các xã miền núi của huyện Bác Ái việc thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ thành công của mô hình sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn ở xã Phước Chính đem lại sẽ giúp huyện Bác Ái đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa,hình thành các cánh đồng lớn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đăng nhận xét