Ninh Thuận: Ngụp lặn cả ngày mò con ốc đen, tuy vất vả nhưng nông dân cũng kiếm 200.000 đồng/ngày

Yêu Ninh Thuận 04/10/2021

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hàng ngày, khi nước thủy triều rút xuống, người dân từ nhiều địa phương ở Ninh Thuận lại cầm các dụng cụ, dầm mình dưới nước nhiều giờ liền để cào ốc dơi, ốc quắn,...

Ninh Thuận: Ngụp lặn cả ngày mò con ốc đen, tuy vất vả nhưng nông dân cũng kiếm 200.000 đồng/ngày
Những con ốc sau khi cào được cho vào bao và vận chuyển lên bờ, nghề này chịu khó dầm mình dưới nước mới có tiền. Ảnh: Q.D

Người dân địa phương cho biết, làm nghề này người dân phải đi từ sáng sớm, dụng cụ cào bắt cũng rất đơn giản và không tốn chi phí, chỉ cần chịu khó sẽ hái ra tiền.

Ninh Thuận: Ngụp lặn cả ngày mò con ốc đen, tuy vất vả nhưng nông dân cũng kiếm 200.000 đồng/ngày
Những con ốc được rửa sạch bùn, đất trước khi xuất bán cho các thương lái. Ảnh: Q.D

Chiếc cào ốc được làm bằng khung sắt có nhiều hình khác nhau như: hình chữ nhật hoặc hình tròn rộng khoảng 0,2m, dài khoảng 0,8m, được hàn gắn từ những thanh sắt to cỡ ngón tay trỏ tiếp xúc trực tiếp đáy đầm.

Ninh Thuận: Ngụp lặn cả ngày mò con ốc đen, tuy vất vả nhưng nông dân cũng kiếm 200.000 đồng/ngày
Mỗi ngày người dân thu 190.000 - 250.000 đồng nhờ nghề cào ốc. Ảnh: Q.D

Sau khi cào được ốc, người dân dùng một chiếc rổ nhựa đãi, rửa bùn, cát cho đến khi trong rổ chỉ còn hàng trăm con ốc với đủ kích thước. Lúc này, bà con mới đưa vào bờ bán cho các chủ "vựa" với giá 1.900 – 2.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày như vậy một người có thể kiếm được 190.000 – 250.000 đồng.

Ông Hồ Hữu Hùng, trú tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: "Tôi đi làm từ 6h30 sáng đến 3h chiều mới về. Hôm nào chịu khó tôi cào được cả tạ ốc".

Ninh Thuận: Ngụp lặn cả ngày mò con ốc đen, tuy vất vả nhưng nông dân cũng kiếm 200.000 đồng/ngày
Người phụ nữ dầm mình dưới nước để mò ốc, kiếm tiền trang trải hàng ngày. Ảnh: Q.D

Nhiều người cào ốc cho biết, nghề cào ốc cứ ngụp lặn suốt ngày nhưng cũng chỉ đủ tiền trang trải qua ngày trong những lúc khó khăn. Khi nước rút thì ra cào, còn thời điểm nước triều lên, mọi người thu dọn đồ nghề, kéo nhau lên bờ và bắt đầu đem ốc của mình đi bán.