Một thiết bị không người lái đang thử nghiệm tại cánh đồng Mía. |
Để hướng tới mục tiêu này, trong niên vụ mía năm nay, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang đã áp dụng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái trên vùng nguyên liệu mía của nhà máy. Mô hình này đã giảm gần 50% chi phí công lao động, thuốc bảo vệ thực vật.
Trước đây người trồng mía ở Ninh Thuận đều dùng sức người để phun thuốc trừ sâu. Với cách làm này, mỗi ha mía phải sử dụng 6kg thuốc bảo vệ thực vật và mỗi giờ chỉ phun được 1,5 sào mía.
Đặc biệt khi cây mía ở giai đoạn trưởng thành người nông dân không thể len lỏi vào giữa ruộng mía để phun thuốc nên mía thường bị sâu bệnh tấn công, làm giảm năng suất.
Trong niên vụ mía năm nay, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang đã đưa vào thử nghiệm mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây mía bằng thiết bị bay không người lái. Đầu tư một thiết bị bay không người lái khoảng 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vô cùng lớn. Mỗi giờ thiết bị này có thể phun được 1,2 ha mía, gấp 6 lần so với phun thủ công nhưng chỉ tiêu tốn 1,2 lít xăng. Đặc biệt, thiết bị bay không người lái có thể phun thuốc bảo vệ thực vật cho suốt thời kỳ sinh trưởng của cây mía và lượng thuốc phủ đều đến từng cây mía. Do đó, tiết giảm được hơn 30% thuốc bảo vệ thực vật và 60% công lao động.
Hiện nay, vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang có 1.100 ha. Sau khi đánh giá hoàn thiện mô hình, Công ty sẽ đầu tư thêm 1 thiết bị bay không người lái và chỉ cần 2 kỹ thuật viên điều khiển sẽ phun thuốc cho toàn bộ vùng nguyên liệu mía.
Chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất mía giúp tiết giảm chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, đồng thời góp phần phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Đăng nhận xét