Cây bắp (ngô) là cây trồng phổ biến ở tỉnh Ninh Thuận, thế nhưng loại bắp có sắc màu tím đỏ, có thể ăn sống trực tiếp sau khi hái mà không cần qua các công đoạn luộc, hấp, xào... thì là điều lạ với nông dân nơi đây, đó là giống bắp có tên Nữ hoàng tím.
Chị Nguyễn Phan Ngọc Anh, một kỹ sư trẻ chuyên ngành bảo vệ thực vật ở khu phố 9, phường Phước Mỹ, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) là người trồng thử nghiệm đầu tiên loại bắp đặc biệt này.
Ngọc Anh hào hứng với giống bắp tím mới. Ảnh: Cơ Nguyễn. |
Ngọc Anh cho biết, giống bắp này không phải là giống biến đổi gen (NO-GMO), được mua tại một công ty nhập khẩu giống có xứ từ Thái Lan. Lúc đầu chỉ mua về trồng thử nghiệm với 50 cây, sau đó thì tăng lên 100 m2, đến hiện tại đã mở rộng liên kết thu mua với 5 hộ dân, tổng diện tích gần 1 ha.
Bắp Nữ hoàng tím có vỏ màu xanh pha chút đỏ; hạt xếp khít, kín tới đầu bi, vỏ hạt mỏng, màu tím đỏ, bên trong màu vàng, nhiều nước; cùi bắp có màu đỏ thẩm, lõi rỗng, xốp ở tâm; vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ, thanh mát. Loại bắp này có thể ăn sống, hấp, xào, nướng, đặc biệt rất hợp trộn salad, nấu chè, làm thạch chân châu...
Xuất phát từ việc muốn tìm ra một loại sản phẩm mới, có lợi cho sức khỏe, và phù hợp với điều kiện khí nắng nóng của địa phương, đầu năm 2021, Ngọc Anh đã lên ý tưởng và bắt đầu trồng thử nghiệm với diện tích 300 m2 giống bắp Nữ hoàng tím.
Trong quá trình canh tác, chị áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP như bón hoàn toàn bằng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm tinh dầu neem, chế phẩm tỏi, ớt.. để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Điều này đã giúp giống bắp này tỏ ra thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận và cho năng suất, chất lượng trái ổn định.
Trái bắp tím được người dân địa phương hết sức tò mò. Ảnh: Cơ Nguyễn. |
Ngọc Anh cho biết, với 500 m2, gia đình chị thu về 600 kg trái tươi, giá bán tại vườn 35.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thu lợi nhuận đạt được 8.000.000 đồng/vụ. Hiện tại, có 5 hộ dân được chị tận tình chia sẻ quy trình kỹ thuật trồng, tổng diện tích gần 1 ha gối vụ nhau.
Về thị trường tiêu thụ, sản phẩm đã được truy xuất nguồn gốc với mã QR được bán tại siêu thị Co.opmark Thanh Hà - Ninh Thuận và thông qua mạng xã hội nên sản phẩm được trải rộng ra các tỉnh, thành và được người tiêu dùng lựa chọn.
Tháng 11 vừa qua, Ngọc Anh đã đạt được giải ba cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V - năm 2021 do Tỉnh Đoàn tổ chức. Ngoài ra, mô hình của chị là 1 trong 33 dự án được lọt vào vòng chung kết dự án khởi nghiêp thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, sẽ diễn ra trong tháng 12 này.
Về khó khăn, sản phẩm bắp trái tươi trong điều kiện nhiệt độ thường chỉ bảo quản được 3 ngày nên việc vận chuyển đi xa là rất khó khăn. Vì vậy, ngoài bán sản phẩm thô, chế biến dùng ngắn hạn, sắp tới, Ngọc Anh cần sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư từ các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh để tăng thời gian bảo quản và vận chuyển sản phẩm được xa hơn, tạo đầu ra ổn định hơn.
Bắp tím này có thể chế biến thành rất nhiều món ăn, kể cả ăn sống, trộn salad. Ảnh: Cơ Nguyễn. |
Vườn bắp được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên việc nuôi thêm loài ong dú (loài ong không ngòi đốt và rất mẫn cảm với thuốc BVTV) để tăng khả năng thu phấn cho vườn và đây cũng là hướng đi sắp tới của Ngọc Anh trong việc tạo ra điểm du lịch, điểm tham quan học hỏi cho các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh.
Mô hình trồng bắp tím Nữ hoàng của chị Ngọc Anh là mô hình mới trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối cao, phù hợp với khả năng đầu tư cũng như trình độ sản xuất của bà con địa phương. Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình này đã mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do đầu ra chưa thật sự ổn định nên bà con cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích.
Nguyễn Cơ
Đăng nhận xét