Khánh Hòa "vướng" giải phóng mặt bằng
Sáng 21/12, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa Châu Ngô Anh Nhân cho biết, dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang" (dự án CCSEP Nha Trang) là dự án nhóm A, công trình cấp 1 gồm 4 hợp phần (mở rộng hạ tầng vệ sinh; cải thiện kết nối đô thị, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư; hỗ trợ kỹ thuật và cải cách thể chế - PV). Thời gian thực hiện từ 2017 - 2022 với tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn khoảng 72 triệu USD.
Dự án ''Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang'' vướng trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Trung Vũ). |
Để thực hiện dự án, tỉnh Khánh Hòa cần thu hồi vĩnh viễn khoảng 17,8ha đất các loại thuộc địa bàn 4 phường/xã Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vạn Thắng, Ngọc Hiệp và xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang). Theo đó, sẽ có khoảng 452 hộ dân và 5 tổ chức sẽ bị ảnh hưởng do thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, có 141 hộ sẽ bị di dời, 54 hộ bị ảnh hưởng nặng do thu hồi từ 20% đất sản xuất trở lên, 20 hộ bị kinh doanh bị ảnh hưởng, số hộ còn lại chỉ ảnh hưởng một phần…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án CCSEP Nha Trang đang gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trao đổi với phóng viên, ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết, đến nay, hạng mục nhà máy xử lý nước thải mới kiểm kê được 40/43 thửa đất, trong đó 26 thửa đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, niêm yết phương án đối với 16 trường hợp, đã ban hành quyết định bồi thường 11 trường hợp. Hạng mục trạm bơm nước mưa có 24 thửa đất bị ảnh hưởng nhưng mới ban hành quyết định bồi thường 11 trường hợp.
"Đối với hạng mục đường Chử Đồng Tử có 75 thửa đất bị ảnh hưởng nhưng mới có 22 thửa đất thông qua Hội đồng bồi thường hỗ trợ và chưa ban hành quyết định bồi thường. Hạng mục kè và đường phía nam sông Cái có đến 580 thửa đất bị ảnh hưởng nhưng mới kiểm kê được 94 thửa và chưa họp xác minh nguồn gốc đất ở xã, phường…" - ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết.
Bên cạnh đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại hạng mục nhà máy xử lý nước thải, kè và đường phía nam sông Cái, công tác đánh giá chất lượng còn lại của vật kiến trúc công trình do các tổ chức nhà nước quản lý để tiến hành thanh lý còn quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ của nhà thầu.
“Ban Quản lý đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và đánh giá chất lượng còn lại của vật kiến trúc công trình do các tổ chức nhà nước quản lý để tiến hành giải quyết tại hạng mục nhà máy xử lý nước thải, kè và đường phía nam sông Cái để nhà thầu có mặt bằng triển khai thi công” - ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, Ban Quản lý cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm giải quyết các vướng mắc về chính sách bồi thường hỗ trợ; Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương hoàn thiện các phương án bồi thường đã được thông qua gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND TP Nha Trang phê duyệt.
Liên quan đến công tác bồi thường GPMB thực hiện dự án, mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ dự án CCSEP Nha Trang, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu UBND TP Nha Trang chỉ đạo các xã/phường liên quan đến dự án khẩn trương đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất các thửa còn lại đối với hạng mục nhà máy xử lý nước thải phía bắc và trạm bơm nước mưa; hạng mục đường Chử Đồng Tử và xây dựng kè đê phía bắc sông Cái.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ đối với Công ty TNHH Trung Hải và Hợp tác xã Đóng tàu Thống Nhất (hai công ty có đất nằm trong dự án cần phải di dời), trình Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư họp xét thông qua, trình UBND TP Nha Trang phê duyệt.
Ninh Thuận kỳ vọng đạt 90% kế hoạch
Còn theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên Hải - tiểu dự án TP Phan Rang - Tháp Chàm" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017, với tổng mức đầu tư 87,9 triệu USD tương đương 1.933 tỷ đồng.
Một góc TP Phan Rang - Tháp Chàm. (Ảnh: Trần Duy). |
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong 5 năm từ năm 2017 - 2022. Mục tiêu dự án nhằm đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn đầu (30%), dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ. Qua thời gian triển khai, tiến độ thực hiện dự án hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh này đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các xã, phường thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm để làm tốt khâu GPMB.
Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, hiện Ninh Thuận đã hoàn tất thủ tục thu hồi đất bồi thường và chi trả cho 263/357 hộ, còn 94 hộ đang tổ chức kiểm kê và giải quyết các yêu cầu khiếu nại, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2021.
Cụ thể, tiến độ thực hiện giai đoạn đầu dự án có 7/26 gói thầu đã hoàn thành; đang triển khai thi công 17 gói với giá trị khối lượng thực hiện trên 50%, gồm: Hạ tầng Khu tái định cư Phan Đăng Lưu đạt trên 85% khối lượng và mở rộng kéo dài đường hẻm 150 đạt 50%; hạng mục nâng cấp kênh Chà Là và đường quản lý dọc kênh, tuyến kênh TH5, kênh Nhị Phước đạt 53% giá trị hợp đồng. Dự kiến hết năm 2021 sẽ giải ngân khoảng 266,5 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch…
Đăng nhận xét