Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nhà đầu tư triển khai dự án, như thủ tục đầu tư, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... nhất là các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo,...
Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án; các đơn vị được giao làm đầu mối tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ đăng ký đầu tư, kể cả tiến độ thực hiện các hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư.
Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. ẢNH: TN |
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh nhanh nhất. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các dự án đã cấp phép đầu tư; rà soát lại những dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm để có biện pháp xử lý theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư theo dõi sát tình hình triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xử lý, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành vào sử dụng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hướng tới mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ban ngành phối hợp với bộ, ngành trung ương tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW; trong đó, điện mặt trời 8.648 MW, điện gió 5.240 MW, thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, điện khí LNG Cà Ná 6.000 MW, thủy điện vừa và nhỏ 362 MW.
Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m² trở lên; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 - 20 m/s ở độ cao 12m. Đặc biệt, ở địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s rất thuận lợi cho sự phát triển năng lượng ĐG. Ngoài ra, Ninh Thuận là địa phương có cường độ bức xạ mặt trời rất lớn, tới 230 kcal/cm².
Các số liệu quan trắc tại Ninh Thuận cho thấy số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600 - 2.800 giờ; trong năm có 9 tháng nắng. Đây là lợi thế để Ninh Thuận phát triển nguồn năng lượng ĐMT. Từ những thuận lợi về địa hình và các chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua ngoài việc kêu gọi đầu tư, Ninh Thuận đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, năng lượng quốc tế... để lấy ý kiến, đề xuất các giải pháp đồng bộ, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện sứ mệnh phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Đăng nhận xét