Ninh Thuận tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Yêu Ninh Thuận 11/12/2021
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới với hàng loạt giải pháp.

Phấn đấu thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, địa phương đã xây dựng Chương trình nông thôn mới một cách bài bản và đạt được kết quả tốt. Để tiếp tục phát triển, tỉnh này thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các mức độ như: đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu.

Ninh Thuận tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

"Chúng tôi dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng thêm 2 huyện Ninh Sơn và Thuận Nam đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Cùng với đó là duy trì, giữ vững chất lượng, tiêu chí huyện nông thôn mới đối với 2 huyện Ninh Hải, Ninh Phước theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Như vậy, lũy kế đến 2025 toàn tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới", ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết.

Cũng trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ xây dựng thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới để đảm bảo lũy kế đến năm 2025 có từ 36 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đã đạt chuẩn sẽ tiếp tục duy trì, giữ vững chất lượng, tiêu chí, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, không để bị thu hồi danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2022-2025 để đảm bảo lũy kế đến năm 2025 có từ 12 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời tập trung xây dựng thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn này.

Lãnh đạo UBND tỉnh phát động phong trào sản xuất cánh đồng mẫu lớn giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Để thực hiện thành công, tỉnh Ninh Thuận chú trọng vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

"Chúng tôi cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Song song đó là nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững", ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Vận động người dân, doanh nghiệp tham gia

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, địa phương cũng tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới như môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn...

Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới mà giao thông nông thôn Ninh Thuận được kiên cố hoá.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền.

Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.

Ngoài ra tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể.

Làm vệ sinh hệ thông kênh mương phục vụ sản xuất.

Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho hay: "Để đảm bảo đạt được mục tiêu xây dựng địa phương đạt chuẩn theo các mức độ: đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đã đề nghị UBND các huyện, thành phố xem xét, thống nhất theo kế hoạch, lộ trình và sớm xây dựng, ban hành kế hoạch cả giai đoạn để tổ chức thực hiện".

Để Chương trình nông thôn mới đạt hiệu quả cao, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị HĐND tỉnh và UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xem xét, quyết định cụ thể tỷ lệ phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn xã cho ngân sách xã để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Minh Hậu - Mai Phương