Thuận Nam: Phát triển đánh bắt hải sản xa bờ

Yêu Ninh Thuận 13/12/2021
Trong điều kiện nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, huyện Thuận Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển đánh bắt xa bờ ...

Thuận Nam có bờ biển dài 43 km, ngư trường rộng lớn với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến và xuất khẩu, cho khai thác quanh năm. Đây là vùng khai thác trọng điểm của tỉnh với tổng trữ lượng hải sản khoảng 75.000 tấn/năm. Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển đánh bắt xa bờ, thời gian qua, huyện triển khai nhiều chính sách, khuyến khích ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền và lắp đặt các trang thiết bị phục vụ đánh bắt trên biển.

Theo đó, thực hiện các Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ, những năm qua, Thuận Nam hỗ trợ vốn vay giúp ngư dân đóng mới 9 tàu cá và nâng cấp 1 tàu cá đảm bảo các điều kiện vươn khơi dài ngày. Các tàu hạ thủy, đi vào hoạt động đã nâng tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện lên 1.020 chiếc, tổng công suất 243.047 CV. Trong đó, tàu cá dưới 20 CV là 321 chiếc; tàu từ 20-90 CV là 109 chiếc và tàu từ 90 CV trở lên là 590 chiếc. Điều đáng mừng, mặc dù số lượng tàu thuyền tăng lên không đáng kể nhưng so với 5 năm trước, năng lực tàu thuyền lại tăng khoảng 50%.

Thuận Nam: Phát triển đánh bắt hải sản xa bờ
Được hỗ trợ vay vốn, nhiều ngư dân đã đóng mới tàu công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài hỗ trợ vốn vay, những năm qua, ngư dân còn được hỗ trợ gần 243,5 tỷ đồng từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Huyện cũng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi 156 tàu thuyền hoạt động bằng nghề vây rút mùng mang tính chất tận diệt sang khai thác bền vững bằng các ngư lưới cụ phù hợp, đảm bảo quy định của pháp luật. Đến nay, toàn huyện Thuận Nam chỉ còn 5 tàu hoạt động bằng nghề vây rút mùng.

Nhằm xây dựng tính liên kết, tính cộng đồng tăng hiệu quả kinh tế và giảm rủi ro trong quá trình hoạt động trên biển, Thuận Nam còn duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động 106 tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất, đánh bắt xa bờ; thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 2 nghiệp đoàn nghề cá. Đây cũng là biện pháp góp phần giữ vững ngư trường khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhờ phát triển đánh bắt xa bờ nên những năm qua, sản lượng khai thác hải của Thuận Nam luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, sản lượng đánh bắt đạt trên 327.000 tấn. Riêng năm 2021, sản lượng đánh bắt đạt trên 80.000 tấn, đạt 127% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với năm 2020.

Dù đạt được một số thành quả, song thực tế việc phát triển đánh bắt xa bờ ở Thuận Nam vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Chưa có điều tra, đánh giá và dự báo chính xác về trữ lượng hải sản tại các vùng lộng, vùng khơi; ngư dân có tập quán đánh bắt hải sản ven bờ, chưa quan tâm đến việc vươn khơi tìm ngư trường mới để khai thác những loài hải sản có giá trị kinh tế cao; công nghệ khai thác còn lạc hậu. Đặc biệt, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn xảy ra.

Phát triển đánh bắt xa bờ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân mà còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Thuận Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến ngư dân về Luật Thủy sản năm 2017 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, các quan điểm phát triển kinh tế thủy sản bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tập trung nâng cao năng lực tàu thuyền, khuyến khích ngư dân đầu tư trang bị máy móc hiện đại, áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ vào đánh bắt, bảo quản và chế biến; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản... Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tổng sản lượng khai thác đạt trên 381.000 tấn; đến năm 2030, tổng số tàu thuyền 771 chiếc, năng lực tàu thuyền 257.903 CV.

Ngọc Diệp