Những ngày cuối năm chúng tôi đã có dịp quay trở lại tìm đến một số xã, thôn vùng dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Phước (nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm) và ghi nhận được sự chuyển biến lớn trong các lĩnh vực đời sống của người dân.
Trong đó, hệ thống đường giao thông được đầu tư bài bản là “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Dân vui mừng vì có cầu, không còn "bơi" qua suối
Dọc tuyến đường ĐT 708 có thể dễ dàng quan sát thấy những con đường giao thông nông thôn dạng “bàn cờ” được bê tông hóa khang trang, xe cộ tấp nập qua lại. Cầu, cống kết nối từ tỉnh lộ nối đến nương rẫy của người dân góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở huyện miền núi.
Những đổi thay đó chính là thành quả từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng góp sức chung tay của đồng bào các dân tộc trong những năm qua. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày một đổi mới.
Cầu Tầm Rá nối liền hai thôn qua kênh Bắc, xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước). |
Bà Phạm Thị Khánh Hải - Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Phước Vinh cho biết, thông qua chương trình thực hiện nông thôn mới, bộ mặt hạ tầng giao thông đã thay đổi hẳn, đời sống được nâng cao. Mới đây, địa bàn xã được quan tâm đầu tư thêm 2 cây cầu từ nguốn vốn Trung Ương. Hiện cầu Tầm Rá đã đưa vào sử dụng, cầu Láng Ké đang được gấp rút thi công.
Hai cầu này bắc ngang qua suối Kênh Bắc sẽ đảm bảo an toàn cho bà con đi lại vào mùa mưa lũ đã kết nối các trục đường giao thông đến tận nương rẫy, cánh đồng tạo thuận lợi cho sản xuất vận chuyển nông sản của bà con trong vùng.
Khi họp, dân biết được chủ trương và lợi ích từ việc xây cầu mới các hộ dân đều đồng thuận cao. Nhiều hộ dân không ngần ngại hiến đất làm đường dẫn, cho đơn vị thi công mượn đất làm nơi tập kết vật liệu xây dựng cầu.
Ông Nguyễn Thành Chung, thôn 1, xã Phước Vinh cho hay, trước đây khi chưa có cầu Tầm Rá, người dân vất vả băng suối đi rẫy, khi thu hoạch lúa, rau quả vận chuyển rất khó khăn. Hiện cầu Tầm Rá đã thông xe phát huy ngay hiệu quả, ô tô đến tận rẫy vận chuyển hàng hóa nông sản bán được giá hơn trước.
Cầu Láng Ké nối thôn Liên Sơn 1, Liên Sơn 2 hàng ngày có rất nhiều người dân đi làm rẫy, đồng phải băng qua suối. Vào mùa mưa nước chảy xiết, đập thủy lợi xả tràn nước chảy như thác rất nguy hiểm nếu ai liều mình băng ngang.
“Khi hay tin có chủ trương xây cầu, bà con rất phấn khởi, xóa đi nỗi lo nguy hiểm băng qua suối mùa mưa lũ hàng chục năm qua”, ông Chung phấn khởi nói.
Cầu Láng Ke đang gấp rút thi công. |
Bày tỏ niềm vui mừng ông Hồ Văn Phước, (cùng ngụ xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) cho biết, đây là niềm mong mỏi của người dân từ rất lâu rồi, cầu xây xong khi vào mùa mưa lũ bà con đi rẫy không còn nơm nớp lo sợ bị nước cuốn trôi.
“Các hộ dân trong thôn cũng mong chính quyền xã, huyện làm mới con đường dẫn kết nối ra tỉnh lộ. Từ đây việc vận chuyển nông sản của bà con từ nương rẫy sẽ thuận lợi hơn”, ông Phước nói.
Xây cầu, mở đường tạo đà phát triển kinh tế
Bà Phạm Thị Khánh Hải cho biết thêm cầu Tầm Rá hoàn thành, xe cộ đi lại thuận lợi, ai nấy đều vui mừng. Trước đề nghị của nhân dân, sắp tới UBND xã đang có chủ trương làm hơn 1km đường bê tông xi măng kết nối từ lỉnh lộ 708 kết nối vào cầu Láng Ké đang xây dựng. Bởi con đường hiện hữu đã xuống cấp, con đường nối 2 thôn gần 1.000 hộ dân mùa mưa đường sình lầy khó đi. Sau khi có đường bê tông người dân đi rẫy thuận lợi, an toàn hơn.
Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2021 Ban đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nền mặt đường tuyến tỉnh lộ 708, cải tạo nhiều đoạn QL1. Hoàn thành đưa vào khai thác nhiều cầu, cống dân sinh tại các xã, huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh lộ 708 vừa được nâng cấp mở rộng kết nối nhiều xã ở huyện Ninh Phước. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Ban QLDA cho biết, đến nay Ban đã có 15 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP, với tổng vốn đầu tư khoảng 32 tỷ đồng. Các cây cầu này nằm tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái đã đưa vào khai thác trong năm 2021. Tuy có quy mô nhỏ nhưng các cầu này bắc qua sông, suối tại vùng sâu, vùng xa tạo thuận lợi cho bà con đồng bào thiểu số đi lại an toàn vào mùa mưa lũ, vận chuyển nông sản.
Ngoài được ủy quyền thực hiện xây dựng các cây cầu dân sinh. Vừa qua dự án cải tạo QL1 đi Phước Hà và Đường Từ Thiện đi Vĩnh Trường (huyện Thuận Nam - dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền trung vay vốn WB) cũng đã thi công xong.
"Dự án hoàn thành đã góp phần khôi phục lại sản xuất, đảm bảo an toàn và ổn định đời sống nhân dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, hạn hán. Không để người dân nào trong vùng dự án bị “tụt lại phía sau” so với tiến độ phát triển và mức sống trung bình của cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh", đại diện Ban QLDA cho hay.
Vĩnh Phú
Đăng nhận xét