UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất bổ sung 5 mỏ vật liệu, trong đó có 2 mỏ đất (Phước Vinh và Phước Hữu) theo đề xuất của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. |
Văn bản do ông Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133), thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tập trung rà soát, khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng một số vị trí dự kiến để bổ sung các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn vật liệu cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các dự án trọng điểm của tỉnh.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành công tác khảo sát, rà soát, lấy ý kiến về sự phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành và địa phương của tỉnh đối với 5 khu vực mỏ chưa có trong quy hoạch đủ điều kiện bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Do vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương xem xét, có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung đối với các khu vực mỏ gồm: Mỏ đất san lấp tại khu vực xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước có diện tích 29,244ha; Mỏ đất san lấp tại khu vực xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước có diện tích 8,83ha; Mỏ đất san lấp tại khu vực núi Nai, xã Phước Trung, huyện Bắc Ái có diện tích 37,58ha; Mỏ đá tại khu vực núi đá Giăng, xã Lạc Tiến, huyện Thuận Nam có tổng diện tích 38,1ha.
Trước đó, ngày 7/1/2022, Tạp chí Giao thông vận tải đã đăng tải bài viết: “Áp lực vật liệu đè nặng nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo” phán ánh về việc dự án đang thiếu vật liệu đất đắp trầm trọng, nhưng chính quyền địa phương lại chưa có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ.
Cụ thể, nhu cầu vật liệu đất đắp từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khoảng 4 triệu m3. Nhưng các mỏ đang khai thác (5 mỏ) dự kiến chỉ khoảng 2,5 triệu m3 và cự ly vận chuyển đất từ các mỏ này đến công trường phục vụ thi công dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo rất xa, trung bình khoảng 30 - 60km và đi qua nhiều tuyến đường địa phương nhỏ hẹp, cầu yếu, nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường rất lớn.
Hơn nữa, giá thành cung cấp theo báo giá của các đơn vị chủ mỏ đất tại 5 mỏ mỏ đang khai thác lên tới 160.000 - 170.000 đồng/m3, cao gấp đôi so với giá dự toán được duyệt, khiến công tác thi công nền đường của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, các mỏ đất nằm trong quy hoạch đã cấp phép thăm dò chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (8 mỏ) có trữ lượng dự kiến khoảng 4,8 triệu m3, gồm: Núi Ngỗng, Mỹ Hiệp, Núi Bà Râu, So Ngang, Sông Dinh,… cũng không gắn với thiết kế của tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoặc không có khả năng cung cấp, vận chuyển đến các đơn vị sử dụng đất đắp và giá thành của các các mỏ này cũng tăng gấp hơn hai lần so với dự toán được duyệt.
Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo |
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cho dự án, liên tiếp trong các ngày 29/9/2021, 18/12 và 29/12/2021, Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã có văn bản đề nghị UBND Ninh Thuận cấp phép 2 mỏ đất tại xã Phước Hữu và xã Phước Vĩnh (huyện Ninh Phước) vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020 trong quý I/2022 để phục vụ thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Tuy nhiên, trong Văn bản 5152 ngày 31/12/2021 gửi đến UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Xây dựng Ninh Thuận chỉ kiến nghị xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung vị trí mỏ đất tại xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) theo đề xuất của Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Còn lại, vị trí mỏ đất san lấp tại khu vực xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước không được Sở Xây dựng Ninh Thuận kiến nghị trình UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung vào quy hoạch.
Đình Quang
Đăng nhận xét