Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chính sách đầu tư để duy trì, nâng cao giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật Gốm của người Chăm (làng Gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã được Bộ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4961/BVHTTDL-VP ngày 31/12/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, như sau:
Ngày 20 tháng 6 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc.
Ngày 08 và 09 tháng 12 năm 2018, tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm". Hội thảo đã thu hút hơn 150 đại biểu là nghệ nhân, nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước tới dự và cùng thảo luận, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trong thời gian tới được tỉnh Ninh Thuận cam kết, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện gồm: Nâng cao năng lực quản lý; Nâng cao nhận thức về giá trị di sản cho cộng đồng và chính quyền địa phương; Xây dựng chương trình và tổ chức để nghệ nhân truyền dạy; Quy hoạch và mở rộng nguồn nguyên liệu; Tạo điều kiện cho nghệ nhân dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu và các quy trình sản xuất, tiêu thụ gốm. Tổ chức kiểm kê khoa học dựa vào cộng đồng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và giới thiệu trên website gốm Chăm. Xuất bản ấn phẩm (sách và sản phẩm kỹ thuật số) về Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn để nghiên cứu, sáng tạo, truyền dạy và sản xuất gốm. Hỗ trợ, phối hợp với cộng đồng tổ chức giới thiệu gốm Chăm tại Nhà trưng bày theo hướng: Tái hiện lịch sử - văn hóa làng Bàu Trúc, lịch sử gốm Chăm, kỹ thuật làm gốm, giới thiệu sản phẩm gốm tiêu biểu qua các thời. Hỗ trợ cộng đồng tham gia giới thiệu sản phẩm gốm tại các hội chợ làng nghề trong nước và quốc tế, mở rộng mạng lưới tiêu thụ; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gốm Chăm ra nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách bảo vệ và phát huy Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tại địa phương, chính sách vinh danh và chế độ đãi ngộ nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình truyền dạy và thực hành bảo vệ di sản; khuyến khích, động viên, hỗ trợ người học nghề, cơ chế xúc tiến phát triển nghề…
Với sự nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc và có những biện pháp bảo vệ phù hợp. Có 01 nghệ nhân tại Bàu Trúc và 01 nghệ nhân tại Bình Đức đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 và 2019. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị hồ sơ và tháng 3 năm 2019, hồ sơ quốc gia di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" đã được gửi tới UNESCO đề nghị ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (dự kiến xét vào năm 2022).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận để trả lời cử tri.
>> Toàn văn nội dung văn bản./.
CTTĐT
Đăng nhận xét