Tưởng chừng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt sẽ làm nhiều người chùng bước, đất đai ngủ yên trong nắng cháy. Tuy nhiên với khát vọng của tuổi trẻ, nhiều thanh niên đã làm cho đất cằn nở hoa và làm giàu trên vùng đất khát. Chính sức trẻ và sự cần cù, sáng tạo của một lớp thanh niên đầy khát vọng đã làm hồi sinh những vùng đất khát, biến những vùng đất sỏi, đá, bạc màu thành những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Anh Đỗ Xuân Giáp là một người như thế.
Vườn quýt đường được sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ của anh Đỗ Xuân Giáp, ở thôn Ma Ty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Đất đai ở Phước Tân khô cằn, sỏi đá, nhưng riêng vườn cây của anh Đỗ Xuân Giáp vẫn vươn mình trong nắng, hòa với gió xuân mang hương thơm ngọt ngào của mùa quýt chín.
Sau khi ra trường, anh Đỗ Xuân Giáp làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc hằng ngày là hướng dẫn người dân chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy anh có dịp đến huyện miền núi Bác Ái. Đặt chân đến vùng đất mới, ban đầu anh cũng bỡ ngỡ, nhưng lâu dần anh đã thích thú với cảnh núi rừng nơi đây, và từ đó vùng đất nghèo Phước Tân đã giữ chân anh Đỗ Xuân Giáp.
Vườn quýt hữu cơ trên vùng đất đồi núi của anh Đỗ Xuân Giáp. |
Nhận thấy chỉ có sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững, anh Đỗ Xuân Giáp đã quyết định gác lại công việc ở Công ty về lập nghiệp trên vùng đất này.
anh Đỗ Xuân Giáp chăm sóc vườn quýt đường theo hướng hữu cơ sinh học, tận dụng phân bón vi sinh để ủ bón cho cây, tự tạo ra thuốc phòng trừ sâu bệnh từ các loại thảo dược. Với bao công sức, vốn liếng và hy vọng, những tưởng sẽ kết thành quả ngọt, nhưng ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên anh đã thất bại. Hơn cả chục tấn Quýt phải cắt bỏ vì kỹ thuật không đảm bảo. Tuy thất bại nhưng anh Đỗ Xuân Giáp vẫn không từ bỏ đam mê với suy nghĩ "thất bại là mẹ thành công", khó khăn chỗ nào, khắc phục chỗ ấy.
Giờ đây, gần 3.000 cây quýt đường đã cho quả ngọt trĩu cành, trái to, trung bình từ 5-10 trái/kg, năng suất thu hoạch những năm đầu tiên gần 10 tấn/ha. Không chỉ dừng ở việc bán quả cho thương lái, anh còn có những dự định lớn hơn là đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP để cây quýt đường Ninh Thuận được đưa vào các cửa hàng, siêu thị và được nhiều khách hàng biết đến. Đầu năm 2022, anh cải tạo thêm 2 ha đất cằn để trồng mít ruột đỏ, với mong muốn đa dạng hóa các loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ và chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào Raglai ở địa phương./.
Minh Tuấn- A Xuyến
Đăng nhận xét