Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể với các kịch bản phương án, tình huống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với tình huống có thể phát sinh… Trực tiếp đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động do ảnh hưởng dịch bệnh... là những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Ninh Thuận Khóa XI.
Đại biểu chất vấn Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Ninh Thuận Khóa XI. Ảnh Văn Nỷ. |
Theo đó, HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong tiếp thu, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, đã theo dõi sâu sát diễn biến tình hình thực tế và thẳng thắn chất vấn những nội dung quan trọng, bức xúc, nổi cộm được nhiều đại biểu, cử tri và dư luận quan tâm. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của giám đốc các sở, ngành trong trả lời chất vấn đúng trọng tâm, đã giải trình, làm rõ hầu hết các vấn đề đại biểu đặt ra, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tham mưu; tăng cường quản lý để tổ chức thực hiện và có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, được xem xét ưu tiên trước hết và trên hết, trước mắt và lâu dài để chuyển trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn, Nghị quyết HĐND tỉnh yêu cầu: Giám đốc Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể với các kịch bản phương án, tình huống khác nhau thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, luôn tạo thế chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống có thể phát sinh. Các kế hoạch, kịch bản, phương án phải thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi diễn biến tình hình dịch bệnh thay đổi hoặc có chỉ đạo mới.
Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch tầm soát xét nghiệm phù hợp với tình hình; tập trung tầm soát xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đối với vùng, đối tượng và các hoạt động có nguy cơ cao bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Tập trung nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ tử vong; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, chăm sóc, theo dõi của y tế cơ sở, ý thức thực hiện quy định cách ly, điều trị tại nhà của người dân và các điều kiện cơ sở vật chất để cách ly, điều trị; có kế hoạch, phương án cụ thể đầu tư trang thiết bị y tế và thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 phù hợp với từng cấp độ dịch bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, kịp thời đáp ứng tình huống phát sinh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ
Đối với Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nghị quyết HĐND tỉnh yêu cầu rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình, thời gian thực hiện; khơi thông mọi nguồn lực đầu tư doanh nghiệp. Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trực tiếp đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với hỗ trợ người lao động, nghị quyết HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động. Triển khai hiệu quả các gói an sinh xã hội; nắm tình hình, thực hiện tổng hợp chi tiết lao động theo trình độ, nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo hỗ trợ nghề cho lao động nông thôn, xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là những người lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam, nhằm giúp người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành các ngành nghề mà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn, bảo đảm giáo dục nghề gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động (ưu tiên nhất là thị trường lao động của tỉnh). Nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật; đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh phục vụ cho phát triển năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển.
THẢO YẾN
Đăng nhận xét