Rau củ giờ cũng tăng đột biến như xăng dầu. Rồi cái gì cũng tăng? Ảnh: Thanh Chung. |
Và “3 cọng hành” là nói đúng nghĩa đen: 1-2 và 3 cọng hành.
Tràn ngập trên các báo là sự “tăng vọt”, là “gấp 4-5 lần” và là những lời thở than.
Giá các loại rau thơm đã tăng vọt lên 4-5 lần. Các loại rau, củ cũng tăng gấp đôi, gấp 3.
Rau húng quế từ 20.000 đồng tăng lên 100.000 đồng/kg. Tuần trước, cà chua, cà rốt chỉ 13.000 đồng/kg nay tăng lên 25.000 đồng/kg. Và đặc biệt là hành: 200.000 đồng/kg, hay “5.000 đồng được 3 cọng hành”.
Với mức tăng giá khủng khiếp này, người dân ước tính đang phải trả thêm từ 20-50% chi phí vào rau củ, một thứ thiết yếu, và cũng là thứ mà mỗi khi giá thịt lên cao, thường dùng để ăn độn.
Còn lời thở than ư!
Giờ đây, 100.000 đồng cầm ra chợ rồi cầm về. 100 ngàn - có nghĩa là một mệnh giá 6 con số.
Phí smb banking, từ 11.000 đồng/tháng, giờ 55-77 ngàn. Tăng 500-700%.
Giá thép xây dựng tăng 250.000-300.000 đồng/tấn, để vượt đỉnh 17 triệu đồng/tấn. Và tăng là so với trước Tết, khi ngành xây dựng kêu cứu với tình cảnh các công trình đình trệ vì giá thép tăng quá khủng khiếp.
Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 300 đồng/kg, trong khi đã tăng khoảng 30% với 7 lần tăng năm 2021. Chiếm tỉ lệ 70% trong cơ cấu giá thành, thức ăn chăn nuôi tăng 300 đồng, đẩy giá gà thành phẩm tăng hơn 500 đồng/kg.
Giá vàng cũng tăng khủng khiếp. Vào ngày 23.2, khi giá thế giới là 1.899,1 USD/ ounce, tương đương khoảng 52,2 triệu đồng/lượng... thì trong nước, giá bị “đẩy” 100.000 - 500.000 đồng, đưa giá vàng trong nước lên ngưỡng 64 triệu đồng/lượng.
Một năm, từ thái cực “10kg hành mới mua nổi cốc trà đá”, cho đến thái cực 5.000 đồng chỉ còn mua được “3 cọng hành”..., đang tiềm ẩn một cơn "bão giá".
Tại sao giá ồ ạt tăng khủng khiếp như thế?
Vì giá xăng đã tăng 5 lần liên tiếp. Vì giờ đây “50 ngàn đồng không mua được 2 lít xăng”.
Vì thời tiết.
Và vì cả hiệu ứng “tát nước theo xăng” nữa.
Tháng 11 năm ngoái, lường trước được những diễn biến giá xăng dầu thế giới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu: “Tránh tăng giá các mặt hàng thiết yếu”. Cụ thể là phải “giữ ổn định giá điện, xăng dầu để tránh gây áp lực lạm phát và cũng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp".
Có lẽ, chúng ta không thể duy trì mãi mức thuế phí quá cao trong xăng dầu khi mức giá “cao nhất trong lịch sử” đang khiến thuyền ngư dân nằm bờ, đang làm vô hiệu hoá một số chính sách tài khoá, như việc giảm 2% VAT, và đang tiềm ẩn tạo ra cơn "bão giá".
ĐÀO TUẤN
Đăng nhận xét