Mới đây, tại chương trình Chế Linh với dòng hồi ức, danh ca Chế Linh đã lần đầu tâm sự chuyện quá khứ của ông.
Tôi giấu cha mẹ bỏ làng đi
Hôm nay, tôi sẽ lần đầu hé lộ những hồi ức trong quá khứ của tôi. Ai cũng biết tôi là người Chàm ở Phan Rang nên nhiều người hỏi vì sao tôi lại rời quê hương vào Sài Gòn.
Danh ca Chế Linh. |
Thời tôi còn trẻ, làng tôi và làng kế bên thường xuyên gây hấn, xích mích. Tôi đã bị thương nhiều lần vì những cuộc gây hấn này. Mẹ tôi vô cùng lo lắng cho tôi, sợ tôi sẽ bị thương nhiều lần nữa.
Vì thế nên tôi quyết định bỏ làng đi, giấu cha mẹ, gia đình, hàng xóm. Chỉ có hai người bạn niên thiếu của tôi biết. Đến giờ, hai người bạn đó vẫn còn sống. Một người bạn là kỹ sư, một người bạn là bác sĩ.
Khi tôi bỏ làng đi, hai người bạn này đã cho tôi một chiếc xe đạp, một chồng bánh tráng và một bộ quần áo rồi chở tôi ra trạm tàu hỏa. Tôi nói thật, tôi đi nước ngoài định cư còn dễ hơn việc bỏ làng quê vào Sài Gòn lúc bấy giờ.
Tôi ngồi trên xe lửa mà cứ hoang mang mãi. Tôi không biết Sài Gòn ra làm sao, cuộc sống ở đó thế nào nhưng vẫn liều mình rời làng quê vào tận trong đó.
Tôi không hề có người quen hay thân nhân ở Sài Gòn, chỉ một thân một mình vào đó. Tôi không biết vào Sài Gòn sẽ phải làm gì để sống.
Chế Linh hồi trẻ. |
Tôi không hề có kế hoạch gì cho việc vào Sài Gòn. Tôi bỏ làng quê đi chỉ vì sợ sẽ bị thương nữa.
Tôi hi vọng vào Sài Gòn không bị người ta kỳ thị, ẩu đả, đánh nhau như ở làng tôi. Tôi buồn lắm, buồn vì bị kỳ thị.
Tôi chỉ có bịch bánh tráng, một bộ quần áo
Tôi đặt chân đến đất Sài Gòn vào đúng một đêm mưa tầm tã, lụt lội. Tôi không biết đi đâu về đâu, chỉ có một gói đồ trên người.
Một ông xích lô thấy tôi lang thang ngoài đường mới hỏi: "Cháu đang đợi người nhà hay đợi ai? Cháu đi đâu?". Tôi thưa với ông xích lô: "Dạ, con không có người nhà, thân nhân gì hết. Con từ quê Phan Rang vào Sài Gòn sinh sống.
Con muốn kiếm công ăn việc làm. Con chưa biết kiếm việc gì nhưng con làm gì cũng được. Ở ngoài Phan Rang, con làm nghề đánh giày, bán báo".
Tôi nói vậy thôi chứ tôi đâu biết đánh giày. Ông xích lô thương tôi nên cho tôi ngủ nhờ trên xe xích lô của ông ấy, chứ trời mưa lụt lội cũng không đi đâu được.
Tôi đồng ý và lên xe xích lô nằm. Ông xích lô bịt ni lông chỗ tôi nằm lại rồi bỏ đi nhậu. Sáng hôm sau, ông xích lô kêu tôi dậy. Lúc đó, trời đã tạnh. Ông xích lô chở tôi ra trước chợ Bến Thành rồi thả tôi ở đó.
Tôi nhìn quanh thấy rất nhiều anh em bán báo, đánh giày tụ tập, nói đủ chuyện. Tôi còn đang ngơ ngác thì một anh lớn tới hỏi: "Em vào Sài Gòn này có người thân không? Em có biết đánh giày không?".
Nói rồi, anh ấy đưa tôi một hộp đánh giày để tôi đi đánh giày cùng mọi người. Tôi cầm hộp đánh giày mà mừng quá. Tôi nhớ lúc ấy trên người tôi chỉ có bịch bánh tráng, một bộ quần áo và 1250 đồng, phải đi đánh giày.
Tùng Ninh
Đăng nhận xét