Thời gian gần đây, nhiều công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ gặp khó khăn trên thị trường chứng khoán. Một số chỉ có biến động nhẹ, giá cổ phiếu của Apple và Google sụt giảm hơn 6%, trong khi Netflix và Meta – tập đoàn mẹ của Facebook, đã mất khoảng 1/3 giá trị.
Theo New York Times, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp công nghệ là động lực tăng trưởng quan trọng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2021. Vì vậy, sự suy giảm này kéo theo sắc đỏ ở nhiều sàn giao dịch lớn. Chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 7% kể từ đầu năm.
Trỗi dậy từ hỗn loạn
Các nhà đầu tư có lý do để lo lắng. Sự bùng phát của chủng Omicron, tình trạng lạm phát, khả năng lãi suất, nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Ukraine, biểu tình kéo dài của người Canada… có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Các ông lớn công nghệ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, khi một số tập đoàn lần lượt công bố kết quả kinh doanh những tháng cuối năm 2021, có thể nhận thấy dấu hiệu của cuộc trỗi dậy vừa bắt đầu xuất hiện.
Amazon, Apple, Google và Microsoft - 4 công ty Mỹ thuộc nhóm có giá trị hơn 1.000 tỷ USD, trong đó Microsoft trên 2.000 tỷ USD và Apple gần 3.000 tỷ USD - đã công bố mức tăng trưởng đáng ghen tị trong năm 2021. Ngay cả với cái tên “gây thất vọng” là Facebook, lợi nhuận của họ trong năm 2021 cũng tăng 35%.
Các ông lớn công nghệ càng lớn mạnh hơn trong đại dịch. Ảnh: FT. |
Sau tất cả những gì xảy ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có vẻ như các ông lớn công nghệ đã sẵn sàng mở rộng phạm vi tiếp cận và tầm ảnh hưởng của mình đối với phần còn lại của nền kinh tế.
Nhiều người không bất ngờ về việc các công ty công nghệ hoạt động tốt trong đại dịch. Covid-19 khiến chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị, sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Tuy nhiên, quy mô tăng trưởng của họ vẫn đáng kinh ngạc.
Theo The Verge, doanh thu của Apple trong năm 2021 đạt 350 tỷ USD, tăng hơn 90 tỷ USD (tương đương 33%) so với cùng kỳ, bất chấp tình trạng thiếu chip bán dẫn tác động xấu đến ngành công nghệ toàn cầu.
Doanh số bán hàng của Amazon trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tương tự, doanh thu của Google cũng tăng hơn 60% sau 2 năm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng những tập đoàn có quy mô khổng lồ như Apple, Amazon, không thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng quá cao trong thời gian dài, theo “quy luật số lớn”. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy họ tiếp tục “phạm luật”.
Sau khi chạm mốc vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào năm 2018, Apple tiếp tục tăng trưởng phi mã, hướng đến con số 3.000 tỷ USD trong năm nay. Các ông lớn công nghệ khác trong nhóm nghìn tỷ cũng chưa có dấu hiệu chững lại.
Dư địa phát triển còn lớn
Điều gì thúc đẩy sự tăng trưởng kinh ngạc của những gã khổng lồ công nghệ? Theo New York Times, nguyên nhân không chỉ dừng lại ở chỗ đại dịch làm gia tăng việc sử dụng công nghệ, một vấn đề lớn hơn là nó đã minh chứng cho chúng ta thấy còn nhiều tiềm năng bổ sung công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.
Mảng kinh doanh Dịch vụ của Apple là một ví dụ. Bộ phận này bao gồm App Store, Apple Pay, iCloud, Music và Apple TV.
Mô hình hoạt động cốt lõi của Táo khuyết từ trước đến nay là bán phần cứng. Họ đã thu lợi nhuận khổng lồ từ việc này. Tuy nhiên, doanh số iPhone sẽ giảm sau một thời gian nhất định.
Chu kỳ nâng cấp đối với người dùng đang kéo dài ra, trong khi mỗi thế hệ ra mắt sau chỉ có một số cải tiến nhỏ. Trong quý cuối năm 2021, Apple bán được số iPhone nhiều hơn cùng kỳ 9%, không còn cao ở mức 2 con số như những năm trước.
Bên cạnh mảng phần cứng, Apple có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ. Ảnh: Getty Images. |
Do đó, Apple ngày càng chú trọng phát triển các dịch vụ trực tuyến khác để duy trì tăng trưởng. Theo báo cáo năm 2020, doanh thu trên App Store tăng 24%.
Giám đốc Tài chính Apple, Luca Maestri tiết lộ công ty có 785 triệu người dùng trả phí cho các gói dịch vụ khác nhau, tăng 165 triệu trong năm 2021. Để so sánh, dịch vụ xem phim Netflix hiện có 222 triệu thuê bao.
Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với các gã khổng lồ công nghệ khác. Họ tìm cách thu hút thêm khách hàng ở mảng kinh doanh truyền thống, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực khác.
Giờ đây, Amazon không chỉ là sàn thương mại điện tử khổng lồ, mà còn là nhà cung cấp dịch vụ máy chủ đám mây lớn nhất thế giới. Bộ phận Amazon Web Services mang lại 71 tỷ USD mỗi năm. Hoạt động kinh doanh quảng cáo của họ cũng tạo ra 31 tỷ USD trong năm 2021.
Con số 31 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ, chưa đến 10% doanh thu hàng năm của Amazon, nhưng nếu so với các công ty công nghệ có mô hình kinh doanh dựa phần lớn vào quảng cáo như Snap hay Pinterest, nó gấp hàng chục lần.
Dan Ives và John Katsingris, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư Wedbush Securities, cho rằng những gì chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu cho sự tăng trưởng bùng nổ trong thời gian dài của các ông lớn công nghệ.
Họ ước tính, các công ty trên toàn cầu sẽ chi 1.000 tỷ USD cho các dịch vụ đám mây trong những năm tới. Điều đó có nghĩa là còn dư địa rất lớn để các tập đoàn công nghệ tiếp tục phát triển và lớn mạnh.
Theo đánh giá của Ives, chỉ riêng mảng Dịch vụ của Apple có thể trị giá đến 1.500 tỷ USD trong tương lai. Ông và các chuyên gia khác gọi sự bùng nổ đầu tư sắp tới vào lĩnh vực công nghệ chính là biểu hiện rõ ràng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Đăng nhận xét