Năm 2021, Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi, Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận và Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã phối hợp thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận”. Với thời gian thực hiện là 36 tháng (từ 8/2018 đến 7/2021), nhưng do tình hình Covid-19 trong tháng 7/2021 diễn biến phức tạp nên dự án kéo dài thêm 6 tháng.
Dự án đã góp phần quan trọng thúc đẩy chăn nuôi bò thịt hàng hóa của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Cơ Nguyễn. |
Sau 42 tháng thực hiện dự án, đã có những kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ bò lai tăng từ 43% lên 50,5%, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 157 kg/con, tăng 0,45% so với năm 2020.
Dự án được thực hiện tại 03 xã gồm An Hải, huyện Ninh Phước; xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn và xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Kết quả, dự án đã chuyển giao 4 quy trình công nghệ; đào tạo 6 kỹ thuật viên truyền tinh; tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt hộ dân và 3 mô hình.
Mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (bò cái Brahman), quy mô 30 con bò cái giống đã phối có chửa 30/30 con bò cái có chửa, số bê sinh ra còn sống 29/30 con, đạt 138,1% so với yêu cầu (21/30 con).
Mô hình nuôi bò lai hướng thịt (bò cái lai Zebu): Thông qua phối giống trực tiếp, 6 bò đực giống đã phối được 240 con bò cái có chửa, số bê sinh ra còn sống 199/240 con, đạt 118,5% so với yêu cầu (168/240 con); thụ tinh nhân tạo với các giống tinh Brahman, Angus, 3B đã thụ tinh nhân tạo có chửa 260 con bò cái nền có chửa, số bê sinh ra còn sống 237/260 con, đạt 130,2% so với yêu cầu (182/260 con).
Thông qua dự án, đã lai tạo thành công bê con có nhiều ưu điểm. Ảnh: Cơ Nguyễn. |
Ngoài ra, dự án cũng triển khai mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, cỏ sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, đã trồng được 6ha, đạt 100%, cỏ VA06, năng suất đạt 336,5 tấn/ha/năm; cỏ sả lá lớn đạt 258,5 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, đã chế biến được 60 tấn thức ăn dự trữ.
Khối lượng bê sơ sinh bình quân đạt 26 kg/con, tăng 3,4% so với bò lai Sind và có nhiều ưu điểm như màu lông đẹp, phàm ăn, nhanh lớn, sau 6 tháng nuôi có thể xuất chuồng.
Với những kết quả đạt được nêu trên, Dự án đã hoàn thành mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò hướng thịt nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh.
NGUYỄN CƠ
Đăng nhận xét