Trồng cỏ vetiver chống sa mạc hóa ở Ninh Thuận

text 25/12/2022
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại bột nhão làm từ xenlulo thực vật, khi trộn vào cát sẽ giúp nó giữ lại nước, chất dinh dưỡng và không khí.

Tìm cách ngăn chặn sa mạc

Vào năm 2016, tạp chí tiếng Anh "Engineering" do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) xuất bản công bố nghiên cứu biến cát thành đất màu mỡ bằng phương pháp mới của các nhà khoa học Yi Zhijian, Zhao Chaohua thuộc Đại học Giao thông Trùng Khánh.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại bột nhão làm từ xenlulo thực vật, khi trộn vào cát sẽ giúp nó giữ lại nước, chất dinh dưỡng và không khí.

Theo tác giả nghiên cứu Yi Zhijian: “Phương pháp mới hy vọng sẽ giúp biến các vùng sa mạc thành môi trường sống lý tưởng cho các loài thực vật”.

Trồng cỏ vetiver chống sa mạc hóa ở Ninh Thuận

Theo ước tính của các chuyên gia, các cây trồng trong ô đất cát thử nghiệm cần một lượng nước tương đương với những cây trồng trên đất thông thường nhưng cần ít phân bón hơn và mang lại năng suất cao hơn.

Kể từ năm 2013, các nhà khoa học đã thử nghiệm trồng trọt ngoài trời tại hai địa điểm có diện tích khoảng 550 và 420 mét vuông ở Trùng Khánh, nơi các nhà khoa học mô phỏng điều kiện địa hình sa mạc. Các loại cây trồng, bao gồm lúa, ngô và khoai tây, phát triển mạnh trên đất mới chuyển đổi, chúng đã sống sót sau trận mưa lớn và nhiệt độ cao, điều kiện khí hậu đặc trưng ở Trùng Khánh.

Để xác minh phương pháp này, một thí nghiệm trồng quy mô lớn ở sa mạc Ulan Buh ở Nội Mông, phía bắc Trung Quốc đã bắt đầu vào tháng 4 năm 2016 tại nơi ít mưa nhất trong khu vực. Theo kết quả nghiên cứu, cát được chuyển đổi đã được chứng minh là môi trường sống lý tưởng cho các loài thực vật có khả năng chống xói mòn do gió mạnh, một khu đất cát rộng 1,6ha ở sa mạc Ulan Buh đã biến thành đất đai màu mỡ, trồng lúa, ngô, cà chua, dưa hấu và hoa hướng dương sau khi được xử lý bằng phương pháp mới.

Theo Giáo sư Yi Zhijian, chi phí cho việc này là từ 22.500 NDT đến 40.500 NDT (tương đương 3.373 đến 6.071 USD) cho mỗi hecta. Đây là một mức phí rất cao nếu xét từ hiệu quả kinh tế có thể đạt được khi chuyển đổi cát thành đất nông nghiệp.

Cùm chân cát di động…

Theo thống kê của FAO và UNESCO, Việt Nam có khoảng 462.000ha cát ven biển, chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó có 87.800ha là các đụn cát, đồi cát lớn di động.

Tại Mũi Dinh thuộc xã Phước Dinh của huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận, một nhóm các bạn trẻ mà đứng đầu là chàng thanh niên Nguyễn Văn Tiến đã sử dụng một loài thực vật có bộ rễ rất sâu để chế ngự việc di động của cát. Đó là cỏ vetiver.

Mũi Dinh là vùng đất cát rất ít mưa lại quá nhiều nắng gió khiến lớp cát bề mặt trở nên bỏng rẫy, khó có loài thực vật nào có thể chống chịu được. Thế nhưng cỏ vetiver – với bộ rễ sâu, phát triển nhanh – nên ngay sau khi trồng đã dễ dàng đâm sâu vào cát, tiếp cận tầng cát ẩm ướt hơn bên dưới. Cùng với việc tăng cường che phủ, ngăn chặn bức xạ nhiệt và cung cấp độ ẩm cho những mầm cỏ trong giai đoạn đầu, chỉ sau nửa năm, những cánh đồng cỏ vetiver đã có thể tự sống xanh tốt ngay cả khi khô hạn tới đỉnh điểm.

Trồng cỏ vetiver chống sa mạc hóa ở Ninh Thuận

Nhờ các gốc cỏ trồng với mật độ 30x50 tạo thành những mắt lưới xanh chằng chịt trên đất cát, cát đã không còn bị gió thổi bay mà cố định dần và cũng chính việc cắt phủ lá cỏ đều đặn 2 - 3 tháng/lần mà cấu trúc của cát dần thay đổi: cát có khả năng kết dính với nhau hơn, thành phần có nhiều hữu cơ hơn, màu của đất - cát pha trên bề mặt lúc này đã ngả dần về màu đen thay vì màu trắng khô khốc như trước. 

Không những vậy, việc canh tác xen canh các loại cây trồng khác trong vùng trồng cỏ cũng được tiến hành nhịp nhàng và khoa học. Nhóm bạn trẻ đã trồng được dưa hấu, hành, tỏi, lạc, bí đỏ, thậm chí cả cây ăn quả lâu năm như nho, ổi xen trong cỏ, đồng thời lá cỏ vetiver được dùng cho việc chăn nuôi dê, cừu, thỏ, hay mang ra đánh thành những tấm phên lợp chuồng trại, nhà chòi nghỉ ngơi.

Những ngày cuối tuần, các đoàn khách tới tham quan học hỏi biến nơi đây trở thành điểm cắm trại, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau hành động thay đổi những vùng đất hoang hóa tưởng như không thể cải tạo này.

Trồng cỏ vetiver chống sa mạc hóa ở Ninh Thuận
Nguyễn Văn Tiến ngồi ngoài cùng bên trái.

Mô hình trồng cỏ vetiver trên đất cát và trồng xen cây nông nghiệp trong đồng cỏ của Tiến và các cộng sự hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Nếu so với cách dùng bột nhão làm từ xenlulo thực vật của các nhà khoa học Trung Quốc thì phương pháp này khả thi hơn trong việc chế ngự, biến đổi các vùng đất cát, đất bị sa mạc hóa thành đất trồng do chi phí thấp, hiệu quả lại cao và bền vững.

text