Những năm qua, tại huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) có nhiều đảng viên người Raglai đã tiên phong trong phát triển kinh tế và vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng địa phương tham gia xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”. Mô hình đã góp phần thay đổi tư duy làm giàu cho người dân.
Ông Katơr Quỳnh bên khu du lịch của mình. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phước Bình, huyện Bác Ái, đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp trong việc khơi dậy và phát huy sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vận động người dân thay đổi tư duy, lối sống cùng địa phương tham gia hưởng ứng xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”, mà hạt nhân là các đảng viên người Raglai. Sau khi tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã có 120 hộ Raglai tham gia, trong đó có 60 hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu và có nguyện vọng tham gia phát triển du lịch cộng đồng.
Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi về thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình, tìm đến nhà ông Katơr Quỳnh, một trong những đảng viên tiên phong phát triển kinh tế tại địa phương, để nghe ông kể về câu chuyện thay đổi nếp nghĩ cách làm và vận động bà con cùng nhau phát triển kinh tế. Hôm đó, trời tháng 3, miền sơn cước Phước Bình nắng như đổ lửa, hai bên đường cỏ cháy, cây trong rừng cũng héo hon. Thế nhưng, vườn bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm của gia đình ông Quỳnh vẫn xanh biếc.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây gần tỷ đồng, kế bên căn nhà sàn truyền thống của người Raglai, ông Quỳnh phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình mình cũng như nhiều bà con khác trên địa bàn Phước Bình chỉ biết trồng cây điều và những cây ngắn ngày như bắp, đậu, nên hiệu quả không cao, quanh năm phải đối mặt với đói nghèo.
Ngôi nhà sàn của đảng viên trẻ Katơr Chinh là một trong những điểm thu hút du khách. |
Cũng theo ông Quỳnh, xã Phước Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường, tư duy sản xuất...
Để khơi thông những rào cản trên, thời gian qua, những đảng viên người Raglai ở xã Phước Bình đã nâng cao vai trò của mình trong việc vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cùng địa phương tham gia xây dựng mô hình “Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”.
“Từ khi được chính quyền vận động chuyển đổi cây trồng, gia đình đã mạnh dạn chuyển gần 2 ha sang trồng bưởi da xanh, sầu riêng và chôm chôm, kết hợp với mô hình du lịch sinh thái vườn cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm”, ông Quỳnh cho hay.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Quỳnh còn vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất để phát triển kinh tế. “Đảng viên phải đi trước. Làm trước hết là cho mình, cho con cái, sau đó nhân rộng mô hình này ra toàn xã hội. Từ thành công của mình rồi dần dần tuyên truyền vận động để bà con nghe và làm theo”, ông Quỳnh tâm sự.
Du khách trải nghiệm chăm sóc, thu hoạch bưởi ở làng du lịch cộng đồng Chapi ở thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. |
Ở Phước Bình bây giờ, không chỉ có ông Quỳnh, mà có nhiều đảng viên khác cũng mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng. Điển hình như đảng viên trẻ Katơr Chinh. Anh Chinh cho biết: Chúng tôi cũng có khu liên kết nhóm để phát triển du lịch cộng đồng từ Chapi 1 đến Chapi 6. Nhóm chính của tôi có 2 đảng viên, tôi là phó nhóm và 5 thành viên khác để phục vụ khách. Ngoài ra, còn có nhóm 13 người phục vụ văn nghệ.
“Du khách đến đây, ngoài việc ghé thăm thăm vườn cây ăn trái mà gia đình và bà con trong địa phương đã làm, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Raglai như: cơm lam, gà nướng, cá sông nướng… những món ăn dân giã khác, chiêm ngưỡng các điệu múa dân gian của dân tộc Raglai, Churu”, Katơr Chinh cho biết.
Tiết mục văn nghệ của những cô gái Raglai phục vụ du khách |
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân có thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong năm 2024, triển khai thực hiện Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện sẽ tập trung mở rộng, hoàn thiện một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Phước Bình và đầu tư xây dựng nhà sàn truyền thống của người Raglai để phát triển du lịch.
Ông Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện uỷ Bác Ái cho biết: Việc các đảng viên đi tiên phong trong phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con thoát nghèo bền vững, là chủ trương hợp lòng dân, giàu tính nhân văn, thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm, trí tuệ của mỗi đảng viên. Qua đó, giúp đồng bào Raglai thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương.
“Để góp phần đưa mô hình du lịch cộng đồng ở xã Phước Bình phát triển phát triển bền vũng và nhân rộng ra các làng du lịch cộng đồng khác của tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian tới, những đảng viên người Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong việc vận động người dân cùng địa phương tham gia xây dựng mô hình Du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng”, ông Phương chia sẻ thêm.
Đăng nhận xét