Nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã đưa văn hóa truyền thống vào trường học, xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực sự tạo sự vui tươi, phấn khởi trong học tập, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, các giá trị văn hóa dân tộc cho các em học sinh.
Nghệ nhân Mai Thăm, huyện Bác Ái, Ninh Thuận hướng dẫn học sinh Tiểu học cách sử dụng đàn Chapi và đánh Mã la. |
Không gian văn hóa Raglai được tái hiện ngay trong những tiết học ngoại khóa. Tiết học càng trở nên hứng thú hơn khi người dẫn dắt, truyền thụ đến các em học sinh những nét văn hóa truyền thống là những “Cây cổ thụ” về văn hóa dân tộc ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Nghệ nhân Mai Thăm xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, Ninh Thuận, người trực tiếp truyền thụ nét văn hóa truyền thống cho hoc sinh phấn khởi cho biết “Rất mừng được các trường học mời về dạy cho các em để các em biết thêm về văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai mình, để từ đó các em phát huy, gìn giữ bảo tồn tiếng mã la, tiếng kèn, tiếng đàn Chapi và nhiều truyền thống khác nữa của đồng bào Raglai mình”.
Từ những buổi “cầm tay chỉ việc” những tiết học đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện miền núi Bác Ái, Ninh Thuận trở thành một việc làm thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng. Có trường còn tự sưu tầm, biên soạn tập san với rất nhiều nội dung về phong tục, tập quán, hệ thống lễ hội và các trò chơi dân gian của đồng bào Raglai.
Tiết giảng dạy văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai tại trường Tiểu học và THCS Phước Hòa, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. |
Không chỉ thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, năm học 2021 – 2022, chương trình học cho học sinh lớp 1, lớp 2 bằng tiếng Raglai được Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận chính thức đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Bác Ái, giúp các em thêm hào hứng, thích thú khi tới trường.
Toàn huyện miền núi Bác Ái có 30 trường ở bậc học THCS, Tiểu học và Mầm non với gần 8.000 học sinh, trong đó trên 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai vào giảng dạy vừa góp phần đổi mới giáo dục, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp các em hiểu và trân trọng nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Đăng nhận xét