Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với đô thị hóa, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hệ thống đường giao thông liên xã ở huyện Ninh Hải được đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Nhiều điểm sáng nông thôn mới
Giai đoạn 2021 - 2023, Ninh Thuận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào Thi đua xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ theo hướng đa mục tiêu. Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cung cấp nước sinh hoạt, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giải quyết các vấn đề về thiên tai.
Ông Trần Minh Thái, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết, cùng với đầu tư phát triển kinh tế biển, huyện tập trung quy hoạch sản xuất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện hình thành 10 vùng sản xuất tập trung, gồm: Các cánh đồng lớn sản xuất lúa liên xã Xuân Hải - Hộ Hải - Tân Hải - Phương Hải với hơn 2.000 ha; vùng chuyên canh hành, tỏi (các xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải); vùng chuyên canh trồng măng tây xanh ở xã Xuân Hải, vùng trồng nho xã Vĩnh Hải... Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 290 triệu đồng/ha.
Một góc huyện Ninh Hải, địa phương đạt chuẩn huyện nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, huyện Ninh Hải huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, cộng đồng dân cư chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn tự nguyện hiến 28.000 m2 đất, gần 3.000 ngày công lao động, ủng hộ trên 5 tỷ đồng kinh phí để xây dựng nhiều công trình như: nhà văn hóa thôn, thủy lợi, đường giao thông nông thôn dựa trên nguyên tắc “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Ninh Phước quyết tâm huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị Phước Dân. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện huy động từ các nguồn lực gần 398 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Đến nay, 100% đường giao thông trục xã; trên 85% đường trục thôn, đường làng, ngõ, xóm; 91% đường nội đồng được trải nhựa, bê tông và cứng hóa. 100% thôn, khu phố, 99,9% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. 100% thôn, khu phố, 100% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 72,82 triệu đồng. Huyện còn 758 hộ nghèo, chiếm 1,84% so với số hộ toàn huyện, giảm 1,64% so với cuối năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 2.347 hộ, chiếm 5,7% so với số hộ toàn huyện, giảm 0,61% so với cuối năm 2022.
Huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để tạo động lực phát triển. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, chủ trương xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ba năm qua, tỉnh huy động được trên 1.505 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 2/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 33/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 50/254 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới (trong đó, 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu). Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Phấn đấu đạt thành quả cao hơn
Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, Ninh Thuận xác định xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Tỉnh tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; phát huy vai trò chủ thể của người dân và vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Công ty TNHH Innoflow NT(Khu công nghiệp Du Long, huyện Thuận Bắc) thu hút tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 216 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung hoàn thành 5 nhóm tiêu chí về: Quy hoạch; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường và hệ thống chính trị đảm bảo đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tỉnh đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai Đề án với tổng nguồn vốn huy động trên 10.000 tỷ đồng.
Một góc huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận tăng cường huy động nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác; thu hút đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác công tư và xã hội hóa; thực hiện các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả 11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Ninh Thuận quan tâm thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số và phát triển du lịch nông thôn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung, thay thế phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tỉnh có giải pháp tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để tạo động lực phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đăng nhận xét