Ninh Thuận xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi, hiệu quả

Yêu Ninh Thuận 13/03/2024

Tỉnh Ninh Thuận đề ra các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong quá trình triển khai, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Ninh Thuận xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi, hiệu quả
Hệ thống đường giao thông liên xã ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2024, tỉnh Ninh Thuận đề ra các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong quá trình triển khai, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu.

Theo kế hoạch, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trước giai đoạn 2021 - 2025, để phấn đấu đạt chuẩn cao hơn. Đồng thời, tỉnh duy trì và giữ vững các xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Ninh Thuận phấn đấu có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 78 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh duy trì tỷ lệ giảm nghèo hàng năm theo kế hoạch đề ra theo từng đối tượng, địa bàn. Riêng các xã đặc biệt khó khăn khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phấn đấu giảm nhanh tổng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều dưới 13%.

Ninh Thuận xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi, hiệu quả
Một góc huyện nông thôn mới Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu năm 2024, đề ra các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương; huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

UBND tỉnh yêu cầu các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đã đề ra; trong đó huyện Bác Ái không còn là “huyện trắng nông thôn mới”, huyện Ninh Sơn và huyện Thuận Nam đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Ninh Hải và huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Ninh Thuận huy động được trên 1.500 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 2/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 33/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 60/254 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó 5 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.