Theo dự báo, năm 2024 nắng nóng sẽ kéo dài hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè – Thu tới. Trước tình hình trên, nông dân Ninh Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, coi đây là giải pháp hữu hiệu để thích ứng trong mùa nắng hạn.
Ông Lý Ngọc Đồng, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận canh tác dưa hấu bằng mô hình trải bạt. |
Diện tích đất sản xuất của ông Lý Ngọc Đồng ở thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận gần kênh tưới hồ Lanh Ra. Trước tình trạng nguồn nước hồ Lanh Ra còn chưa tới 20% dung tích thiết kế, không đảm bảo nước để sản xuất lúa nên ông Đồng quyết định chuyển sang trồng dưa hấu. Để tiết kiệm nước tưới, ông Lý Ngọc Đồng còn áp dụng mô hình trải bạt nhằm hạn chế bốc hơi nước và giữ ẩm cho đất, giúp dưa hấu phát triển tốt trong mùa nắng hạn này.
Phước Vinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán. Để giúp người dân ứng phó với nắng hạn, địa phương tập trung vận động người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, tiết kiệm nước. Hiện nay, diện tích lúa trên địa bàn giảm từ 145 ha xuống còn 70 ha.
Tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận những diện tích lúa thuộc các khu vực trạm bơm ở Tà Dương, Như Bình, Đá Trắng thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng hạn được nông dân chuyển sang cây trồng cạn nhằm giảm áp lực về nguồn nước tưới và nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi hơn 150 ha đất lúa sang trồng cây ngắn ngày và cây ăn trái.
Nông dân xã Phước Thái (Ninh Thuận) sử dụng hệ thống phun sương phục vụ cây trồng lâu năm. |
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều nông dân ở Ninh Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, tiết kiệm nước. Riêng vụ Đông – Xuân 2023 -2024, toàn tỉnh Ninh Thuận chuyển đổi hơn 674 ha. Trong năm 2023, Tỉnh cũng dành trên 21 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi’; mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP…
Chuyển đổi cây trồng đã biến những vùng đất khô hạn thành vùng đất bạt ngàn màu xanh cây trái. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày cho lợi nhuận gấp 1-5 lần; táo gấp 15,6 lần; nho gấp 16,8 lần; măng tây xanh gấp 21,6 lần…
Đăng nhận xét