Theo dự báo, năm 2024 sẽ có nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Tại Ninh Thuận, địa phương có lượng mưa thấp nhất cả nước, cộng với thời tiết khô nóng và gió mạnh kéo dài từ tháng 12/2023 đến nay đã khiến lượng nước ở các hệ thống sông, suối, hồ, đập giảm mạnh và có nguy cơ thiếu nước tưới vào vụ Hè – Thu 2024.
Để ứng phó với thời tiết nắng hạn, nhiều nông dân ở Ninh Thuận đã chủ động đầu tư và nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, qua đó góp phần giảm công lao động; đồng thời khắc phục được tình trạng thiếu nước và nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.
Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, Bà Lỗ Thị Hương ở thôn Tuấn Tú (Ninh Thuận) yên tâm sản xuất trong mùa khô hạn. |
Sản xuất ở vùng đất cát và ngay trong mùa nắng nóng, nhưng hơn 1 ha măng tây xanh của gia đình ông Châu Văn Năng ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận vẫn phát triển xanh tốt nhờ có đủ nước tưới.
Nhờ lắp đặt hệ thống phun mưa, ông Năng chỉ cần mở van, nước sẽ tưới đúng vị trí cần tưới, đồng thời đảm bảo độ ẩm và giúp măng tây xanh cho năng suất cao. Ông Châu Văn Năng cho biết lợi ích của hệ thống phun mưa trong sản xuât “Tưới tràn như trước đây mất rất thời gian, tốn công và chi phí đầu tư. Để tiết kiệm chi phí, gia đình là áp dụng hệ thống tưới phun tầm thấp, rất thuận lợi. Thao tác dễ dàng, tất cả mọi người trong gia đình ai cũng đều sử dụng được. Sáng sớm mở 30 phút là tắt. Măng tây thu hoạch đạt năng suất cao lại tiết kiệm điện hơn trước nhiều”.
Để sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, năm 2021, Bà Lỗ Thị Hương ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động với kinh phí gần 15 triệu đồng. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, Bà Hương có thể yên tâm sản xuất trong mùa khô hạn.
Nông dân xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động phục vụ sản xuất. |
Nhăm giúp người dân sản xuất hiệu quả trên vùng đất cát, thông qua các chương trình, dự án, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã tập trung hỗ trợ bà con lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm. Nhờ vậy đến nay, trong gần 300 ha trồng màu thì đã có trên 200 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước có gần 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích chủ động nước chưa tới 950 ha, phần còn lại phụ thuộc vào “nước trời”. Để sản xuất hiệu quả, ngoài đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng các loại cây ít tốn nước và có giá trị kinh tế cao, nông dân xã Phước Thái còn tập trung nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm.
Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, phục vụ cây trồng lâu năm. |
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ giúp nông dân giảm 20 -40% lượng nước tưới, thậm chí có cây trồng lên đến 70% so với phương pháp tưới truyền thống; đồng thời, tăng năng suất cây trồng từ 15 – 20%, giảm 30% công lao động và tăng thu nhập từ 10 – 15%. Đặc biệt, mô hình này phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân nhờ chi phí đầu tư thấp, chỉ từ 1 – 2 triệu đồng/sào tùy hệ thống tưới. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có gần 2.000 ha ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm; trong đó hơn 800 ha cây lâu năm và gần 1.200 ha cây hằng năm.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc chủ động lắp đặt và nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm được xem là giải pháp giúp giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân. Quan trọng hơn, đây là giải pháp để nông dân Ninh Thuận thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất hiệu quả ngay trong mùa nắng hạn.
Đăng nhận xét