Đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, giúp thương hiệu hạt điều hữu cơ Truecoop vươn xa

Vnbusiness 24/04/2024
HTX Điều hữu cơ Truecoop: Mô hình sản xuất bền vững, liên kết nông dân, đạt chứng nhận quốc tế, mở cơ hội xuất khẩu, nâng thu nhập cộng đồng.

Từ một nông sản thô sơ, không có thương hiệu (no brand), hạt điều đã được các thành viên HTX điều hữu cơ Truecoop (Ninh Thuận) chăm sóc và chế biến thành sản phẩm có thương hiệu riêng (private brand). Mô hình sản xuất của HTX Truecoop không chỉ mang lại những hiệu quả về kinh tế xã hội mà còn cho thấy đây là mô hình được đầu tư chỉn chu, thích ứng với sản xuất xanh, bền vững.

HTX điều hữu cơ Truecoop đã thực hiện liên kết cùng với bà con nông dân tại 3 huyện: huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái và huyện Thuận Bắc tham gia liên kết sản xuất kinh doanh điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Châu Âu (EU), Nhật Bản (JAS).

Sản xuất bền vững

Ông Huỳnh Văn Thôi, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Điều hữu cơ Truecoop, cho biết các thành viên HTX dành nhiều tâm huyết và tự tin xây dựng một giải pháp trồng, nuôi dưỡng hiệu quả và phát triển bền vững cho cây điều. Từ đây, HTX có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm điều ngon, sạch, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong khi điều kiện tự nhiên ở Ninh Thuận ngoài thuận lợi để phát triển các nông sản như nho, táo thì cũng rất phù hợp cho cây điều đơm hoa kết trái.

“Để có được điều này, những người đứng đầu HTX đã phải đi rất nhiều tỉnh thành khác mới quyết định dừng chân ở Ninh Thuận”, ông Huỳnh Văn Thôi chia sẻ.

Một điều thuận lợi cho Truecoop phát triển đó là HTX đã xây dựng được hệ thống nhân sự chất lượng khi các thành viên đều có bằng từ cử nhân và trên cử nhân. Bộ máy nhân sự cũng được sắp xếp theo đúng quy trình của mô hình HTX hiện đại. Bộ phận kỹ sư, kỹ thuật cũng được lấp đầy giúp khâu vận hành, quản lý và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất một cách thuận lợi. Đặc biệt, nhờ có hệ thống nhân sự trẻ, có tri thức nên việc phát triển HTX theo mô hình sản xuất bền vững được ứng dụng và thực hiện bài bản.

Theo đó, việc cùng hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu điều theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Châu Âu (EU), Nhật Bản (JAS) là vấn đề không hề đơn giản bởi nhân dân địa phương tuy có kinh nghiệm nhưng để đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế đòi hỏi nhiều quy định khắt khe và thời gian.

Đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, giúp thương hiệu hạt điều hữu cơ Truecoop vươn xa
Hạt điều dần có chỗ đứng trên thị trường nếu có những HTX như Truecoop.

Để giải quyết điều này, HTX không chỉ “cùng ăn, cùng ngủ” với người dân mà trong quá trình hoạt động, HTX đã chủ động dành ra 25% lợi nhuận cho Quỹ phúc lợi nhằm hỗ trợ cây giống, hỗ trợ thiết bị kỹ thuật thiết yếu cho bà con. Mục tiêu cuối cùng của HTX là giúp người dân không chỉ là thành viên liên kết mà còn là người bạn đồng hành trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Truecoop còn đẩy mạnh liên kết 3 nhà, là nhà doanh nghiệp – Nhà nước – nhà nông để thuận lợi trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ cũng như tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Vào giữa tháng 4 vừa qua, HTX đã ký kết với tỉnh đoàn Ninh Thuận nhằm hỗ trợ, kết nối và phát huy mô hình “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” và “Sinh viên 5 tốt” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, HTX và tỉnh đoàn sẽ tạo điều kiện để các em đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” và “Sinh viên 5 tốt” được tiếp cận, nắm bắt môi trường làm việc qua tham quan, thực tập,... tại đơn vị hoặc trong các hệ sinh thái của HTX Điều hữu cơ TrueCoop. Điều này giúp các em có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, hiểu đúng giá trị của mô hình HTX và hình thành tư duy liên kết trong học tập và làm việc.

Đưa nông sản vươn xa

Những định hướng và những hướng đi thiết thực đã giúp HTX Điều hữu cơ TrueCoop vươn lên thành mô hình sản xuất bền vững, đạt chứng nhận thương mại công bằng (Fairtrade Flocert) từ năm 2018. Những cây điều được trồng trên đất đồi núi, đất bạc màu, rừng phòng hộ không chỉ giúp phủ xanh đồi trọc và chống xói mòn mà còn tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, khi TrueCoop đã đầu tư nhà máy chế biến hiện đại, thực hiện bao tiêu điều cho người dân để chế biến, đóng gói giúp nâng cao giá trị cho loại nông sản này trên thị trường. Đến nay, diện tích vườn điều có chứng nhận hữu cơ của HTX là 4.081,80 ha với 2.516 hộ gia đình tham gia (trung bình 1.63ha/hộ gia đình).

HTX đã liên kết cung cấp hạt điều hữu cơ nguyên liệu cho 5 đơn vị xuất khẩu hạt điều uy tín hàng đầu tại Việt Nam xuất khẩu đi các nước châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc... TrueCoop cũng bao tiêu sản phẩm 100% cho thành viên HTX với sản lượng thu mua và bán hàng năm 2022 đạt khoảng 1.808 tấn điều nguyên liệu, từ đó giúp doanh thu năm 2022 đạt 54.2 tỷ đồng. Năm 2023, HTX đạt doanh thu 150 tỷ đồng (tăng 278% so với năm 2022).

HTX Truecoop đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích vườn điều với bà con nông dân tại huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn để đầu tư cho chế biến. Đi liền với đó, HTX tích cực tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân chăm sóc và mời tổ chức đánh giá cấp chứng nhận vườn điều canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA-NOP và EU.

Mục tiêu của HTX đến 2025 sẽ phát triển thêm 1.000 ha vườn điều hữu cơ, nâng tổng diện tích vườn điều đạt chứng nhận hữu cơ lên 5.000 ha. HTX cũng phát triển thêm các loại cây giống, cây ăn quả nông nghiệp chất lượng khác như: cây mít, táo, nho, ... và cam kết thu mua cho bà con, sản xuất chế biến tại địa phương giai đoạn 2023 - 2027.

Thêm đòn bẩy về vốn

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, sự phát triển của HTX Truecoop không chỉ giúp nâng tầm giá trị cho cây điều tại địa phương mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Hoạt động của HTX với sự đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị hàng hóa đã giúp hạt điều vươn xa, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Người dân khi tham gia HTX cũng trở thành người làm chủ của những vùng đất, biết sản xuất điều hữu cơ chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Có những kế hoạch cụ thể để phát triển dài hạn nhưng một điều hiện nay mà HTX Truecoop cũng như hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều đang gặp phải đó là không thể tiếp nhận được các chính sách về hỗ trợ tín dụng, vay vốn ưu đãi vì HTX không có tài sản để thế chấp, tài sản không phù hợp hoặc có tài sản nhưng khi thẩm định lại không được chấp nhận

Hoặc nếu HTX có tiếp cận được vốn thì hạn mức cho vay còn rất thấp, chủ yếu dựa vào giá trị tài sản thế chấp của cá nhân là của thành viên HTX mà chưa xem xét tính khả thi của phương án vay vốn và chưa có cơ chế cho HTX được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ. Điều này ảnh hưởng đến việc HTX muốn mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp mang tính mùa vụ cao.

Cụ thể, năm 2023 HTX điều hữu cơ Truecoop chỉ cung cấp được 70% nhu cầu thực tế của khách hàng đã có hợp đồng cung cấp sản lượng trước đó. Điều này do sản phẩm hạt điều giá trị cao, trong khi nguồn vốn lưu động của HTX còn hạn chế nhưng lại không thể tiếp cận được vốn vay (HTX đã liên hệ ngân hàng Vietcombank chi nhánh Ninh Thuận nhưng hồ sơ không đạt yêu cầu do tài sản không phù hợp) nên thành viên hội đồng quản trị HTX phải sử dụng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn để đảm bảo thu mua 100% nông sản theo mùa vụ cho thành viên và người dân. Trong khi sản lượng điều năm 2023 lên đến 5.000 tấn điều.

Có thể thấy, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị và đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế đang là hướng đi đúng đắn của HTX Truecoop vì có thể truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho HTX Truecoop và các HTX khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp cận nguồn vốn sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Vnbusiness