Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có

VTCnews 04/05/2024
“Nắng như rang, gió như phang” là câu nói quen thuộc mỗi khi nhắc đến Ninh Thuận, miền đất khắc nghiệt gắn với cát - nắng - gió quanh năm.

Nhưng khắc nghiệt nắng gió này lại đang là lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển các loại cây của vùng thiếu nước và các cây dược liệu vốn rất có giá trị mà các nơi khác không có được.

Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Những bãi cát trắng năm xưa, nay đã được thay bằng những giàn nho chín mọng trĩu quả, những ruộng nha đam tươi non mơn mởn và những cánh đồng măng tây đong đưa trong gió phủ xanh khắp các vùng đất hạn, che lấp cả những vùng cát trắng… đã tạo nên bức tranh nông nghiệp đầy sức sống của Ninh Thuận.

Những loại nông sản đặc thù nổi tiếng ấy không chỉ giúp Ninh Thuận “xanh hóa” những vùng đất khô cằn cháy nắng mà ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương.

Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có
Nho xanh Ninh Thuận vẫn có được vị thế riêng với người tiêu dùng cả nước vì giá cả thấp hơn nho ngoại nhưng chất lượng tương đương.

Theo các thương lái, năm nay do nho xanh của Úc và Nam Phi nhập về nhiều nên cạnh tranh mạnh với nho xanh Ninh Thuận. Tuy nhiên, họ cũng cho biết, nho xanh Ninh Thuận vẫn có được vị thế riêng với người tiêu dùng cả nước vì giá cả thấp hơn nho ngoại mà chất lượng lại tương đương.

Nhờ bám sát kịch bản tăng trưởng, linh hoạt trong công tác điều hành để phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, dư địa của từng lĩnh vực nên ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong năm 2023 đã đạt được những kết quả nổi bật.

Bên cạnh cây nho, cây măng tây, nha đam, táo cũng được xem là những giống cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận nhờ có đặc tính sinh trưởng tự nhiên phù hợp với vùng đất này.

Măng tây hiện được xem là cây trồng giúp “xóa đói, giảm nghèo” ở địa phương với năng suất và chất lượng cao, thị trường tiêu thụ lớn và tuổi thọ thu hoạch lên đến 5 năm.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có
Cây nha đam đã được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Ninh Thuận.

Nha đam cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối ngắn, rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân có ít vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới ở vùng đất có khí hậu khô nóng như Ninh Thuận.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 350 ha nha đam được trồng tập trung chủ yếu ở các phường Văn Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Cây nha đam đã được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Ninh Thuận.

Ninh Thuận xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sự đột phá đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Du lịch nho, du lịch cừu sánh cùng du lịch biển

Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105 km, Ninh Thuận có nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi các môn thể thao biển.

Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có
Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi phát triển du lịch được xem là hướng đi hiệu quả nhằm tạo điểm nhấn, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển. Nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn, đang là địa chỉ thu hút du khách tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm sa mạc, đua xe địa hình trên cát.

Với đặc điểm là địa phương nhiều nắng, gió, gắn với biển, tỉnh đã quy hoạch để biến các đặc điểm này thành lợi thế khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó năng lượng tái tạo, du lịch được quy hoạch là 2 trong những mũi nhọn kinh tế. Sắp tới tỉnh sẽ hiện thực hóa quy hoạch để Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước, nông nghiệp công nghệ cao có giá trị khác biệt.

Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

Không chỉ có vậy, điều kiện khí hậu “ít mưa, thừa nắng” tạo cho Ninh Thuận những sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cây nha đam, dê, cừu...

Để tận dụng được tối đa nét đặc trưng của mình, ngoài việc khai thác du lịch biển, Ninh Thuận xác định du lịch nông nghiệp, trang trại là một trong những xu hướng phát triển mới của địa phương.

Phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, trang trại là một kênh quảng bá hữu hiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Đây cũng là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả, du khách được chứng kiến xuất xứ sản phẩm nông sản, đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi phát triển du lịch được xem là hướng đi hiệu quả nhằm tạo điểm nhấn, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến Ninh Thuận.

Tỉnh đã tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như: Tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); cánh đồng chăn cừu (huyện Ninh Hải, Bác Ái),... góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi tới Ninh Thuận. Đồng thời qua đó quảng bá được các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, thúc đẩy tiêu thụ.

Một trong những mô hình du lịch nông nghiệp nổi tiếng và hiệu quả nhất của Ninh Thuận là du lịch tham quan vườn nho. Ninh Thuận có khoảng 1.200 ha đất trồng nho, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và TP Phan Rang - Tháp Chàm. Nho tại đây có nhiều loại được trồng trên diện tích rộng, tạo nên những cánh đồng nho bạt ngàn, xanh mướt, đẹp tựa như các nông trại ở châu Âu.

Du khách đến đây có thể tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, thưởng thức nho tươi và các sản phẩm chế biến từ quả nho ngay tại vườn.

Khi nhắc đến mô hình du lịch vườn nho, không ai không biết đến thương hiệu Vườn Nho Ba Mọi của ông Nguyễn Văn Mọi - người tiên phong làm du lịch sinh thái vườn nho đầu tiên tại Ninh Thuận.

Vườn nho Ba Mọi rộng 2 ha, trong đó 1,5 ha trồng nho ăn và 0,5 ha trồng các giống nho làm rượu, ông cũng đầu tư thêm ở bà con hàng xóm 0,5 ha nữa. Mỗi năm, kể cả các vườn nho vệ tinh trồng lân cận, ông thu được 15 tấn nho làm rượu và ủ cho ra 10.000 - 15.000 chai rượu loại 0,75 lít. Ông Mọi cho biết bình quân 1 kg nho thì cho ra khoảng 1 chai vang 0,75 lít.

Theo ông, những năm qua trang trại mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, được khách du lịch đánh giá cao. Vào mùa hè, mỗi ngày trang trại đón khoảng gần 400 khách, còn mùa thấp điểm mỗi ngày trung bình đón khoảng 200 khách.

Mục tiêu của chúng tôi là tạo cảm giác thích thú, ấn tượng với du khách. Du khách sẽ được trải nghiệm thực tế về quá trình sản xuất nông sản, thưởng thức những trái cây, rau quả tươi tự tay mình thu hoạch và chế biến, từ đó sẽ nhớ đến những trang trại nho”, ông Mọi chia sẻ.

Nằm trên tuyến đường 702 ra Vườn quốc gia Núi Chúa, làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) hiện cũng đang là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thỏa sức thưởng ngoạn những vườn nho lúc lỉu, quả chín đỏ bạt ngàn.

Cách làm du lịch của ông Ba Mọi cũng như người nông dân làng nho Thái An rất ấn tượng vì sự khác biệt mà ít nơi có được. Đó là các chủ vườn nho không bán vé, khách được thưởng thức trái cây tại vườn, uống nước miễn phí. Sự thân thiện, nhiệt tình của chủ vườn khiến du khách ai cũng sẽ mua sản phẩm không nhiều thì ít để ủng hộ chủ vườn.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với xã Vĩnh Hải mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ, đồng thời lắp đặt biển báo dọc tuyến đường 702 để hướng dẫn du khách tham quan các trang trại nho Thái An.

Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có
Du khách đến xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) để được tận tay hái những quả chín thơm ngọt trên cành.

Đến xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) một ngày cuối tuần tháng 4, từng đoàn xe máy, ô tô của khách du lịch nối đuôi nhau trên các con đường đã được bê tông hóa rộng rãi. Họ đến đây để được tận tay hái những quả chín thơm ngọt trên cành và tận hưởng không khí mát mẻ. Lâm Sơn là vùng đất cuối địa giới hành chính tỉnh về phía tây có độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, được mệnh danh là “miền Tây” thu nhỏ của Ninh Thuận.

Mô hình du lịch vườn được hình thành tại Lâm Sơn và thu hút du khách thập phương từ năm 2012 đến nay. Theo các nhà vườn, trung bình mỗi ngày, các vườn trái cây đón khoảng gần 200 lượt khách, nhưng thời điểm này chưa phải thời điểm đông khách.

Từ tháng 7 đến hết tháng 9 khi các loại cây ăn trái như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... bước vào thu hoạch là lúc lượng khách đông nhất, trung bình một ngày khoảng hơn 300 lượt khách, đặc biệt ngày cuối tuần, con số có thể lên đến 500 - 600 người.

Lâm Sơn có hơn 800 ha vườn trồng các loại cây ăn quả, trong đó, có trên 250 ha trồng các loại cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm hơn 20 năm tuổi. Và 240 ha cây ăn quả 7 năm tuổi chuyển đổi từ trồng ngô, lúa, đang mang lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, ngô.

Nhờ kết hợp mô hình du lịch vườn đã góp phần tích cực trong cải thiện đời sống của người dân nơi đây và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trên bản đồ du lịch Ninh Thuận, du lịch đồng cừu là một nét chấm phá mới lạ. Giữa mênh mông đồng cỏ xanh ngát điểm xuyết những đàn cừu trắng tinh như những cục bông hiền lành, mềm mại, là chặng dừng chân ấn tượng trên hành trình khám phá vùng đất này.

Biến 'nắng như rang, gió như phang' thành sự giàu có
Với mô hình kinh tế trang trại kết hợp với làm du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách tham quan.

Hiện mô hình nuôi cừu kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cũng được nhiều người hướng đến. Độc đáo nhất có lẽ là điểm Du lịch Đồng cừu An Hòa nằm trên địa bàn thôn An Hòa (Xuân Hải, Ninh Hải).

Đây là một trong những địa điểm chăn thả cừu tự do lớn nhất của Ninh Thuận. Trên một vùng đồng cỏ thảo nguyên rộng lớn, đàn cừu với số lượng hàng nghìn con được đi lại kiếm ăn tự do.

Không chỉ sở hữu các đàn cừu được chăn thả tự nhiên, ở An Hòa còn có vô số các trang trại cừu của người dân địa phương với quy mô từ 100 - 200 con. Đây là điểm thích hợp dành cho những khách du lịch muốn đến chụp ảnh, tìm hiểu về nghề nuôi cừu cũng như những phong tục, tập quán của dân du mục địa phương.

Với mô hình kinh tế trang trại kết hợp với làm du lịch sinh thái cộng đồng vừa tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách tham quan, cũng là giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi dê, cừu phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ninh Thuận có đủ những điều kiện và khả năng vượt trội để phát triển du lịch, từ yếu tố khác biệt tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tính cạnh tranh phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển.

Những năm qua, vùng đất “tiểu sa mạc” đã thu hút mạnh mẽ các “sếu đầu đàn” trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng tái tạo, từng bước trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt 3.475 MW.

Phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh; phát triển nguồn năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thời tiết đặc trưng khô nóng, bốc hơi mạnh, độ mặn nước biển cao cũng đang là lợi thế để Ninh Thuận phát triển mạnh ngành công nghiệp muối khi có đến gần 4.000 ha sản xuất, tạo ra sản lượng gần 500.000 tấn muối mỗi năm.

Cùng với đó là những sản phẩm du lịch chất lượng cao độc đáo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.

VTCnews