Mấy trăm năm nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc ai cũng biết làm gốm. Họ chính là nhân tố quyết định để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống mãi với thời gian.
Sản phẩm gốm của Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, thủ phủ tỉnh Ninh Thuận, vùng đất đầy nắng gió thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ chừng 10km về hướng Nam, làng gốm truyền thống Bàu Trúc đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ nay. Nhiều ý kiến cho rằng, Bàu Trúc là làng nghề gốm thủ công cổ nhất khu vực Đông Nam Á.
Làng gốm Bàu Trúc nay là một trong 15 khu phố thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. 94% dân số của làng là đồng bào Chăm, với 661 hộ/3.219 khẩu. Hầu hết các hộ người Chăm ở đây gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của dân tộc.
Theo sử sách, nghề gốm do vợ chồng ông Poklong Chanh, một trong những vị tổ sư của nghề gốm Chăm dạy cho phụ nữ trong làng từ xa xưa, khi ông bà đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Dưới bàn tay tài hoa của các bà, các mẹ, các chị, những sản phẩm gốm có xuất xứ từ làng Bàu Trúc luôn mang vẻ đẹp rất riêng, đậm chất văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Chăm nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị như bản chất ngay thẳng, thật thà, chất phác của người dân nơi đây.
Nói gốm Bàu Trúc mộc mạc, giản dị là bởi các sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay của người thợ - chị Đàng Thị Kim Sương ở cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ Chăm Pa chia sẻ. Và khi tận mắt chứng kiến công đoạn “làm mẫu” của chị Sương, chúng tôi hiểu vì sao mỗi sản phẩm khi ra lò luôn là “độc bản”. Do được làm thủ công hoàn toàn từng sản phẩm một nên tính “độc bản” được thể hiện ở chỗ cho dù có cùng chủng loại sản phẩm, nhưng sẽ không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác. Giữa các sản phẩm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc nhất thời của người thợ.
Về nét độc đáo của gốm Bàu Trúc, đầu tiên phải nhắc tới nguyên liệu làm gốm hoàn toàn bằng đất sét mịn tự nhiên chỉ có ở triền con sông Quao chảy quanh làng. Đất sét được trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ bí truyền của làng nghề. Tiếp đó, để làm ra sản phẩm gốm, những người phụ nữ ở Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay như những nơi khác. Để tạo hình và làm mịn bề mặt sản phẩm, họ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục gốm đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa vuốt. Sản phẩm càng cầu kỳ, càng nhiều chi tiết hoặc kích cỡ càng lớn thì thời gian đi giật lùi càng nhiều. Cứ thế, có những ngày, họ phải đi 5 - 7km để dốc hết sức lực, tâm huyết cho “đứa con tinh thần” của mình. Bởi vậy, thật không sai khi nói rằng, trong mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chất chứa đầy ắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu với nghề cổ truyền, tâm huyết, sự tinh tế, khéo léo và cả mồ hôi, công sức của những người phụ nữ dân tộc Chăm.
Lại nói về dụng cụ tạo hoa văn trên sản phẩm gốm Bàu Trúc, ai chứng kiến cũng sẽ hết sức ngạc nhiên, vì đó chỉ là vỏ sò, nắp chai, hòn đá... Những thứ tưởng như bỏ đi ấy, vậy mà qua trí tưởng tượng phong phú, đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của người thợ đã tạo nên những hoa văn hình răng cưa, sóng nước, hoa, lá... đẹp mắt và độc đáo.
Bà Lô Thị Kết ở cơ sở Ngọc Huỳnh có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm cho hay, quy trình nung gốm Bàu Trúc cũng hết sức khác biệt. Sản phẩm không nung trong lò mà nung lộ thiên bằng củi ngoài trời trong khoảng 6 giờ đồng hồ, ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên. Sau khi nung, gốm Bàu Trúc có các màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn vệt nâu - những màu sắc đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Chăm.
"Quy trình sản xuất từ xa xưa vẫn được giữ nguyên, nhưng nay, Bàu Trúc đã có một hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm, 11 cơ sở sản xuất với hơn 200 hộ gia đình sản xuất gia công" - ông Đàng Chí Quyết, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, Trưởng ban quản lý khu phố làng nghề gốm Bàu Trúc tự hào nói.
Du khách nước ngoài thích thú với cách làm gốm Bàu Trúc bằng tay. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Những năm 80 của thế kỷ trước, gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng như lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa... được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Chăm và nhiều dân tộc khác. Mấy chục năm sau, thị hiếu của xã hội thay đổi. Những vật dụng như: lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa... làm từ gốm truyền thống đã ít được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. "Để giữ nghề truyền thống và đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng, những người làm nghề ở làng gốm Bàu Trúc đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ đời sống tinh thần và trang trí nhà cửa, sân vườn như: phù điêu hình người phụ nữ Chăm, tháp Chăm, đèn ngủ, chậu cây cảnh... Những sản phẩm gốm trang trí bán khá chạy, tháng cao điểm, cơ sở bán được hơn trăm sản phẩm" - chị Đàng Thị Mỹ Hương nói.
Ngoài bán tại chỗ cho khách tham quan, du lịch, những người thợ ở Bàu Trúc còn nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ. Họ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tiếp nhận đơn đặt hàng và ship sản phẩm đi khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả ra nước ngoài khi khách có nhu cầu. "Mỗi năm, làng gốm cổ Bàu Trúc đưa ra thị trường hơn 12 nghìn sản phẩm các loại. Hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm vẫn được lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm. Đây chính là yếu tố quan trọng để những người dân làng gốm Bàu Trúc vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo ra cơ hội để phát triển du lịch, biến văn hóa trở thành tài sản, mang lại cuộc sống khấm khá cho người Chăm. 400 người dân trong làng nhờ nghề gốm mà có công ăn việc làm ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/người/năm" - ông Đàng Chí Quyết cho hay.
Trong nỗ lực biến “văn hóa trở thành tài sản”, làng nghề gốm Bàu Trúc nay đã thành lập Ban Du lịch cộng đồng dựa vào di sản do chính ông Đàng Chí Quyết làm Trưởng ban. Địa điểm hoạt động của ban đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng - một công trình nổi bật, đậm chất văn hóa Chăm, khang trang giữa làng Bàu Trúc.
Mô hình du lịch cộng đồng dựa vào di sản của làng nghề gốm Bàu Trúc có 40 thành viên tham gia. Ban Tổ chức sẽ bán vé tham quan đối với khách du lịch. Khách du lịch được hướng dẫn viên đưa đến từng cơ sở làm gốm để trực tiếp trải nghiệm quy trình làm nghề cùng những người thợ nơi đây; được tự tay sáng tạo cho mình những sản phẩm gốm yêu thích.
Những người có trách nhiệm của làng gốm Bàu Trúc tràn đầy hy vọng, bằng cách kết hợp kỹ thuật cổ truyền xưa với không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng đương đại, họ sẽ cùng với bà con tạo ra một sản phẩm du lịch mới, để du khách gần xa biết đến danh tiếng và tìm về Bàu Trúc ngày càng nhộn nhịp hơn.
Đăng nhận xét