Tiểu khu Ninh Chữ cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 6 km về hướng Đông, là căn cứ do thực dân Pháp xây dựng năm 1946. Việc tiến công tiêu diệt Tiểu khu Ninh Chữ có ý nghĩa rất quan trọng, làm thay đổi cục diện tình hình ở Ninh Thuận, góp phần phối hợp với chiến trường toàn quốc trong chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bước vào Đông - Xuân 1953-1954, xét tương quan lực lượng giữa ta và địch đã nghiêng hẳn về ta. Trên chiến trường toàn quốc, quân dân ta liên tiếp giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, buộc địch phải di chuyển, phân tán lực lượng để đối phó với ta.
Tại Ninh Thuận, đến năm 1953 do những thay đổi trên chiến trường nên lực lượng địch giảm từ 4000 tên xuống còn khoảng 3200 tên. Thực dân Pháp cũng bàn giao khu vực Phan Rang cho quân ngụy và lính bảo vệ hương quản lý. Về phía ta, lực lượng vũ trang tập trung có đại đội 210, đại đội 212, đại đội 19-12; ngoài ra, mỗi xã có 1 tiểu đội du kích tập trung, Tỉnh đội có 2 tiểu đội đặc công.
Thực hiện chủ trương về phối hợp với chiến trường Liên khu V và chiến trường toàn quốc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Ban Chỉ huy Tỉnh đội và các lực lượng địa phương phải nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, nắm tình hình địch, đề ra kế hoạch tổ chức tiến công, đánh những trận có tác dụng quyết định đến tình hình chung. Một trong những trận đánh đó là trận đánh Tiểu khu Ninh Chữ.
Sơ đồ trận đánh Tiểu khu Ninh Chữ ngày 9/5/1954. |
Tiểu khu Ninh Chữ nằm sát cửa biển Ninh Chữ, phía Bắc giáp Đầm Nại, phía Đông và phía Nam giáp biển Đông, phía Tây - Bắc giáp thôn Ninh Chữ, có đường tỉnh lộ từ thị xã Phan Rang - Tháp Chàm thẳng xuống trung tâm Tiểu khu, phía Tây - Nam cách 1 km có rừng dương liễu, rất thuận lợi cho ta giấu quân và cơ động lực lượng. Tiểu khu Ninh Chữ có vai trò quan trọng đối với quân Pháp, là nơi phụ trách cả vùng Đông - Bắc tỉnh, đồng thời là điểm xuất phát các cuộc hành quân càn quét, bắt bớ, đánh phá vào các căn cứ cách mạng. Vì vậy, địch bố trí ở đây 1 đại đội với trang bị hỏa lực mạnh, bốn góc của Tiểu khu có 4 tháp canh, có đài quan sát tầm xa, với 3 lớp rào kẽm gai, bờ tường thành cao, lại được tiếp viện nhanh bằng cơ giới mỗi khi bị tấn công. Đến đầu tháng 5/1954, địch tăng cường thêm cho Tiểu khu gần 100 tên.
Về phía ta, tình hình trên chiến trường đang có lợi cho ta, ngược lại tinh thần chiến đấu của địch giảm sút. Ban Chỉ huy đại đội 210 được giao nhiệm vụ đánh trận này, lực lượng đại đội gồm 2 tổ đặc công, 2 trung đội và huy động thêm dân quân du kích các xã, hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được Tiểu khu Ninh Chữ.
Đúng 3 giờ sáng ngày 9/5/1954, hai quả bộc phá loại 7 kg phát nổ đánh sập 2 lô cốt, báo hiệu trận đánh bắt đầu. Bộ phận mũi nhọn xông thẳng vào sở chỉ huy địch, phá ngay thiết bị thông tin liên lạc của chúng. Các lực lượng của ta đồng loạt tiến công, tiếng súng, tiếng lựu đạn liên tiếp tiêu diệt mục tiêu của địch và chỉ sau 25 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Tiểu khu. Kết quả, tiêu diệt tại chỗ 32 tên, bị thương 14 tên, bắt sống 56 tên (tên chỉ huy và một số tên phòng nhì đã thoát ra hướng biển), ta thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, trong đó có cối 82 và đại liên, cùng nhiều quân trang, quân dụng và 2 tấn gạo; ta bị thương 2 đồng chí. Sau trận đánh, Đại hội đã huy động ghe, thuyền của Nhân dân vận chuyển số chiến lợi phẩm về căn cứ. Đến 08 giờ sáng, ta thiêu hủy đồn[1].
Trận đánh tiêu diệt Tiểu khu Ninh Chữ là chiến công xuất sắc của lực lượng vũ trang, có ý nghĩa quan trọng tác động đến tinh thần của quân dân Ninh Thuận. Lần đầu tiên tại Ninh Thuận lực lượng vũ trang đã tiêu diệt một Tiểu khu của địch, không những gây cho địch thiệt hại nặng về vật chất, tinh thần mà quân dân tỉnh Ninh Thuận còn thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp cùng Liên khu V và toàn quốc, góp phần vào thắng lợi chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đảng ủy - BCH Quân sự tỉnh, Ninh Thuận 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), năm 2014, trang 134-135.
Tác giả: Lê Duy Hoàn
Đăng nhận xét