Nhiều lao động nữ đang thiệt thòi khi mang thai, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chế tài chưa đủ mạnh, cần bổ sung những điểm mới thu hút để tránh rút BHXH một lần... là những kiến nghị được nêu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội với Công nhân lao động (CNLĐ) tỉnh Ninh Thuận.
Đoàn viên Ninh Thuận góp ý sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Ảnh: Ninh Giang |
Hội nghị được LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức nhân Tháng Công nhân với sự tham gia của hơn 100 đoàn viên, CNLĐ đại diện cho tiếng nói của 37.287 CNVCLĐ toàn tỉnh.
Thiếu chế tài mạnh, doanh nghiệp dễ chiếm dụng, trốn đóng tiền BHXH
Theo đoàn viên Nguyễn Công Tuấn, đến tháng 3.2024, Ninh Thuận có 204 doanh nghiệp nợ BHXH 3 tháng, tình trạng doanh nghiệp trốn, chậm và chiếm dụng tiền BHXH của người lao động (NLĐ) vẫn diễn ra và có xu hướng tăng. “Tôi kiến nghị sửa đổi Luật BHXH lần này cần xây dựng quy định chi tiết, cụ thể hơn, chế tài mang tính răn đe hơn nữa, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi của NLĐ” - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Mai Anh Tuấn - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Phan Rang - Tháp Chàm cho rằng: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng quy định tại Điều 37 và Điều 38. Việc bổ sung quy định này là hết sức cần thiết, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn một bộ phận NLĐ bị treo quyền lợi BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn... Ông Tuấn đề nghị: “Quốc hội xem xét các quy định cụ thể hơn, chế tài xử lý mạnh hơn để giải quyết vấn đề này triệt để, NLĐ mới an tâm khi tham gia BHXH”.
Thiết kế các gói BHXH tự nguyện linh hoạt
Tại hội nghị nhiều ý kiến của CNLĐ Ninh Thuận cho rằng chính sách BHXH tự nguyện hiện tại mới chỉ có chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Việc bổ sung trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo như Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này là bước tiến mới. Theo chị Nguyễn Thị Xuân Diễm - công nhân Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam, “cần nghiên cứu để thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Đề nghị Quốc hội xem xét từng bước mở rộng sang các chế độ khác (như ốm đau) vào chế độ mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng dựa trên mức đóng góp”.
Anh Bùi Văn Phúc - Công ty TNHH May Tân Tiến Ninh Thuận cũng kiến nghị Quốc hội xem xét chọn phương án về BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi của người tham gia. Ngoài ra, đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm như: Tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm thiểu tình trạng NLĐ chọn rút BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.
Một trong những điểm bất cập được nhiều CNLĐ phản ánh là cách tính BHXH theo luật hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm thiếu thực tế. Chị Trần Thị Hồng Nhung, Chủ tịch CĐCS Bệnh viện Sài Gòn - Phan Rang nêu, hiện lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày, chưa kể trường hợp chị em có các bệnh lý về thai sản. Tuy nhiên, Điều 59 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định lao động nữ chỉ được đi khám thai tối đa 5 lần. “Đề nghị Quốc hội xem xét, quy định tăng số lần khám thai lên 9 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi” - chị Nhung nêu.
Cùng quan điểm anh Nguyễn Minh Vương, đại diện cho công nhân công ty May Tiến Thuận đề nghị Quốc hội xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.
Đăng nhận xét