Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh về các dự án điện mặt trời ven hồ chứa thuỷ lợi ở Ninh Thuận có nguy cơ gây ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn cấp nước cho người dân.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết chưa ghi nhận việc dự án điện mặt trời ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các hồ đập.
Theo ông Trương Khắc Trí, các dự án điện mặt trời được xây dựng tại hồ Bầu Ngứ, hồ Sông Biêu, hồ Sông Trâu… theo chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Chính phủ, tận dụng tiềm năng, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi là phù hợp với các quy định của Luật Thủy lợi.
Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp ở Ninh Thuận. |
Các dự án này được xây dựng trên phần đất vùng bán ngập lòng hồ và phải đảm bảo an toàn công trình, môi trường, đặc biệt là chất lượng nước trong hồ và không gây cản trở việc vận hành công trình và phải tuân theo quy định về kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.
"Việc triển khai được thực hiện đầy đủ cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định pháp luật và định kỳ gửi báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước hồ về Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi về đánh giá chất lượng nguồn nước theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường được duyệt; ngoài ra, việc lắp các tấm pin sẽ giúp làm giảm sự bốc hơi từ các hồ chứa nước và hạn chế sự thoát hơi nước do gió và thời tiết", ông Trương Khắc Trí nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến năm 2023, địa phương đã kêu gọi đầu tư 46 dự án với tổng công suất khoảng 3.079MW (35 dự án điện mặt trời và 11 dự án điện gió). Sự phát triển điện gió, điện mặt trời đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến mạnh mẽ.
Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao, Ninh Thuận đã tận dụng tiềm năng, lợi thế, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện mặt trời... Đồng thời, kêu gọi đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh.
Vừa qua, Ninh Thuận công bố danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.400 ha. Trong đó, lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án, diện tích hơn 528,95 ha, gồm: Dự án điện khí LNG Cà Ná; dự án thủy điện tích năng Phước Hòa; dự án điện gió Đầm Nại 3; dự án điện gió Đầm Nại 4; dự án điện gió Tri Hải; dự án điện gió Phước Dân; dự án điện gió hồ Bầu Ngứ; dự án thủy điện Thượng Sông Ông 2; dự án thủy điện Phước Hòa.
Đăng nhận xét