Ninh Thuận đang nỗ lực không ngừng để ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo được coi là giải pháp then chốt.
Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu nhằm chọn tạo các giống mới có năng suất và chất lượng cao, phòng trừ sâu bệnh, và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Điển hình như việc hoàn thiện quy trình và sản xuất đại trà giống nho NH01-152, trồng thử nghiệm các giống nho không hạt NH04-61 và NH04-128 theo hướng VietGAP; tuyển chọn và phục tráng giống tỏi Phan Rang, giống bắp nếp bản địa ở huyện Bác Ái; và nhân giống nha đam sạch bệnh từ công nghệ nuôi cấy mô (Invitro). Các giống bò lai Brahman, Red Angus, cá chình hoa nuôi thương phẩm cũng được phát triển.
Vườn cây giống nha đam ở Ninh Thuận. Ảnh: M.P |
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở KH&CN đã phối hợp với Viện SHTT khai trương Trạm Khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu (Trạm IPPlatform) nhằm phục vụ công tác hướng dẫn tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp. Năm 2023, đã hướng dẫn 21 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh tra cứu thông tin và đăng ký sở hữu công nghiệp, kết quả là 8 hồ sơ được chấp nhận hợp lệ và 4 DN được cấp văn bằng bảo hộ.
Từ 2021 đến 2023, Sở KH&CN đã triển khai 11 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các dự án này bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm ứng dụng công nghệ GIS, WebGIS và bản đồ số. Hiện nay, các dự án như quản lý và khai thác thương mại NHCN “Dê Ninh Thuận” và chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu theo chuỗi giá trị đang tiếp tục được triển khai.
Sở KH&CN cũng đã hỗ trợ 33 DN, tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN với tổng kinh phí 1,765 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ 4 DN nhỏ và vừa với tổng kinh phí 124.787.950 đồng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, trong hai năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 32,31%/năm. Toàn tỉnh có hơn 565 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất 938 triệu đồng/ha/năm.
Ninh Thuận đã công nhận ba vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gồm: vùng sản xuất tôm giống, vùng sản xuất rau an toàn An Hải và vùng nuôi tôm ở xã Phước Dinh. Đồng thời, công nhận bốn DN nông nghiệp công nghệ cao và thu hút sáu DN ngoài tỉnh làm hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tín - Phó Tổng Giám đốc Công ty GC Food cho biết, công ty đã đầu tư trồng nha đam và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm lớn nhất Việt Nam. Với công nghệ tiên tiến và tự động hóa, công ty sản xuất hơn 45.000 tấn thạch nha đam/năm và sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, rất được ưa chuộng.
Với những kết quả bước đầu, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ DN và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng tới một nền kinh tế bền vững và hiện đại.
Đăng nhận xét