Theo Quyết định số 165/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam, đến năm 2030, công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100.000 - 500.000 tấn/năm (khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050). Ông Đặng Hải Anh, Trưởng nhóm Vận chuyển và Chế biến dầu khí, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) thông tin, chiến lược này đang được các địa phương, doanh nghiệp dần hiện thực hóa.
Cùng với đó, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quy hoạch Điện VIII, trong đó đặc biệt xác định lộ trình và tiến độ chuyển đổi nguyên liệu; chuyển đổi sang amoniac của các nhà máy nhiệt điện than, chuyển đổi hydrogen của các nhà máy điện khí. Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang amoniac và hydroxanh.
Đồng thời, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, việc phát triển năng lượng tái tạo để sản xuất hydro và amoniac được xác định là một ưu tiên hàng đầu.
Ninh Thuận có những điều kiện thuận lợi để hướng tới hình thành trung tâm năng lượng sản xuất hydrogen. Đầu tiên là lợi thế về quy hoạch. Theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, năng lượng tái tạo được xác định là trụ cột phát triển, là khâu đột phá của tỉnh Ninh Thuận.
Ngoài ra, quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII xác định, năng lượng tái tạo là chiến lược phát triển, tiến tới sản xuất năng lượng hydrogen. Trong đó, cả nước có 3 trung tâm, 3 nhà máy năng lượng hydrogen, sản xuất từ 500 đến 1 triệu tấn/ năm; riêng khu vực miền Trung có 1 nhà máy sản xuất với sản lượng 200.000 - 400.000 tấn/năm.
“Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hy vọng rằng, Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đứng đầu cả nước, tiến tới đáp ứng yêu cầu sản xuất hydrogen trong thời gian tới”, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tin tưởng.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, tập đoàn này đang nghiên cứu mô hình Tổ hợp Dự án Năng lượng xanh tại tỉnh Ninh Thuận với nhà máy điện mặt trời (2.150 MW), nhà máy điện gió ngoài khơi (8.000 MW), nhà máy thủy điện tích năng (PSHP, 1.200 MW) và hệ thống pin lưu trữ (BESS, 200 MWh). Với tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, Dự án có quy mô công suất hydrogen xanh dự kiến đến năm 2050 là 824.400 tấn/năm.
Về lý do chọn Ninh Thuận thực hiện tổ hợp, Tổng giám đốc Trung Nam Group khẳng định, “ở Việt Nam, chỉ duy nhất tỉnh Ninh Thuận mới đáp ứng được”. Theo đó, Ninh Thuận hội đủ điều kiện về nhu cầu, bức xạ mặt trời, điện gió và có thủy điện tích năng.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhìn nhận, dù địa phương được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh (được xem là giải pháp công nghệ bền vững), nhưng “cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường”. Tổng giám đốc Trung Nam Group cũng thẳng thắn chia sẻ thực tế là, việc sản xuất hydro tại Việt Nam đứng trước bài toán chi phí cực lớn trong khâu sản xuất.
Cụ thể, để sản xuất 1 triệu tấn hydro, cần khoảng 30 tỷ USD, nên để đạt sản lượng 20 triệu tấn (theo Chiến lược Phát triển hydrogen của Việt Nam), sẽ cần đến 600 tỷ USD. Dù tự nhận rằng, đến thời điểm hiện tại, Trung Nam Group là 1 trong những doanh nghiệp số 1 về lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhưng ông Tiến thừa nhận, con số 600 tỷ USD với Tập đoàn là “không thể”. Do vậy, cần phải có một hiệp hội gồm có cơ quan của Chính phủ, đơn vị hỗ trợ tài chính xanh, doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể.
Đăng nhận xét