Ninh Thuận: Phát triển sản xuất, du lịch, và chính sách xã hội trong tháng 4

Yêu Ninh Thuận 09/05/2024
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong tháng 4 ổn định và có tín hiệu phát triển tích cực.

Các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng khá so với cùng kỳ; tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện kỷ niệm lớn; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai đầy đủ, kịp thời; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong tháng 4 năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và có tín hiệu phát triển tích cực; các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng khá so với cùng kỳ; thu hút du lịch tăng cao, nhất là khách quốc tế ước tính tăng gấp 2,7 lần so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 19% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước và cùng kỳ; tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư; các hoạt động kỷ niệm 32 năm Ngày tái lập tỉnh, 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai đầy đủ, kịp thời; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Sản xuất nông nghiệp tập trung chỉ đạo điều tiết hợp lý, tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân và ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Tổng diện tích gieo trồng cho thu hoạch vụ Đông - Xuân đạt 31.394,4 ha, tăng 1,4% so cùng kỳ, vượt 1,9% kế hoạch; sản lượng lúa trên 114 ngàn tấn, đạt 98,6% kế hoạch; ngô 18.536 tấn, vượt 11,4% kế hoạch; sắn 87.646,6 tấn, vượt 3,9% kế hoạch; khoai lang 1.327,2 tấn, vượt 30,3% kế hoạch; rau đậu các loại 70.038,9 tấn, tăng 26,3% so cùng kỳ...; triển khai mới 2 cánh đồng lớn, nâng tổng số đã thực hiện được 36 cánh đồng lớn/5.014,5 ha, đạt 100% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn gia súc hiện có 515.841 con, tăng 5,1% so cùng kỳ, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng nhẹ; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng được tăng cường, trong tháng đã phát hiện, ngăn chặn 15 vụ vi phạm, giảm 10 vụ so cùng kỳ, tịch thu 2,709 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách 62,8 triệu đồng. Sản lượng khai thác trong tháng ước đạt 11.023 tấn, tăng 3% so cùng kỳ, lũy kế 4 tháng ước đạt 35.933,6 tấn, tăng 4,7%; sản xuất tôm giống duy trì tăng trưởng; phát triển các đối tượng nuôi trồng đạt hiệu quả kinh tế.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 tăng 6,96% so với cùng kỳ; trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 7,9%; Công nghiệp khai khoáng giảm 21,05%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng khá, trong đó: hạt điều tăng 52,49%; đường tăng 59,9%; thạch nha đam tăng 88%; bia đóng lon tăng 41,2%; quần áo các loại tăng 94,05%; xi măng tăng 25,72; khăn bông tăng 25,6%; muối biển tăng 59,2%; nước yến tăng 40,3%; thú nhồi bông tăng 478,7%...

Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, trong tháng có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn, nhu cầu tiêu dùng và du lịch của người dân tăng cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 11,16%.

Ninh Thuận: Phát triển sản xuất, du lịch, và chính sách xã hội trong tháng 4
Người dân và du khách tắm biển tại biển Bình Sơn - Ninh Chử dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Hoạt động du lịch tăng trưởng khá, trong tháng thu hút 320.000 lượt khách, tăng 10,3% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế ước đạt 8.000 lượt khách, đạt 8% kế hoạch và tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ; đặc biệt trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tổng số du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh ước đạt 150.000 lượt khách, tăng 66,6% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 3.000 lượt khách, tăng 50% so cùng kỳ; số lượt khách tới tham quan, trải nghiệm tuyến phố đi bộ ước đạt 22.000 lượt khách; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 500,4 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ.

Ninh Thuận: Phát triển sản xuất, du lịch, và chính sách xã hội trong tháng 4
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành đường cao tốc dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng, số lượng vận chuyển hàng hóa đạt 1,2 triệu tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ; số lượng vận chuyển hành khách đạt 1,1 triệu lượt khách, tăng 28,1% so cùng kỳ. Hoạt động bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định, công tác bảo mật, an toàn thông tin mạng được bảo đảm, thông tin liên lạc được thông suốt; trong tháng phát triển mới 1.760 thuê bao điện thoại, nâng tổng số toàn tỉnh là 706.969 thuê bao, đạt mật độ 116,7 thuê bao/100 dân; phát triển mới 1.961 thuê bao internet, nâng tổng số 351.085 thuê bao, đạt mật độ 98,8 máy/100 dân.

Ninh Thuận: Phát triển sản xuất, du lịch, và chính sách xã hội trong tháng 4
Trao quyết định chấp thuận chủ trương, giấy chứng nhận, bản ghi nhớ cho nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.

Tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia; đến ngày 30/4/2024 giải ngân đạt 584,051 tỷ đồng đạt 19% kế hoạch, cao hơn bình quân cả nước và cao hơn cùng kỳ. Tập trung triển khai các giải pháp kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục theo dõi, rà soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; trong tháng có 23 doanh nghiệp thành lập mới/185,9 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 300 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng thu 1.613 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 2.982,8 tỷ đồng, bằng 37% dự toán năm. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn. Các chính sách tín dụng được tập trung triển khai đạt kết quả, ước đến cuối tháng 4/2024 tổng vốn huy động đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 219 tỷ đồng (+0,97%) so với tháng trước, tăng 153 tỷ đồng (+0,68%) so với cuối năm 2023; nợ xấu được kiểm soát, chiếm tỷ lệ 0,64% so với tổng dư nợ.

Các hoạt động văn hóa, thể thao được tập trung chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng 32 năm Ngày tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2024) và 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2024), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); khai trương tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người có công đảm bảo kịp thời, đúng quy định; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được đẩy mạnh; trong tháng đã tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho 1.940 lượt người, nâng tổng số 4 tháng đầu năm lên 8.672 lượt người; giải quyết việc làm mới cho 1.793 lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 19 lao động. Công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân và kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh thường gặp theo mùa giảm so với cùng kỳ, trong đó: 120 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 299 ca; 08 ca thủy đậu, giảm 69 ca; riêng bệnh tay chân miệng có 46 ca, tăng 43 ca so cùng kỳ.

Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo tập trung chỉ đạo chuẩn bị thi học kỳ II, thi tốt nghiệp THPT và tổng kết năm học 2023-2024; phê duyệt kế hoạch, phương thức tuyển sinh lớp 6 THCS và lớp 10 THPT năm học 2024-2025; phê duyệt phương án và kế hoạch tổ chức các kỳ xét tốt nghiệp THCS, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp đầu cấp THCS, THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số kho khăn đó là: Một số sản phẩm công nghiệp khai khoáng, chế biến còn khó khăn (đá xây dựng giảm 64,8%, tôm đông lạnh giảm 34,6%, muối chế biến giảm 30,2%) do nhu cầu thị trường giảm; xuất khẩu thủy sản giảm sâu, giảm 80,82% so cùng kỳ; giải ngân vốn sự nghiệp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tuy có chuyển biến nhưng tỷ lệ còn thấp, chỉ đạt 6%; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn...

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 11-12% theo Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 07/12/2023 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trong thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp để tăng tốc các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng để bù đắp cho ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi hạn hán cục bộ ở một số địa phương; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán trên tinh thần không để thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói, không để phát sinh dịch bệnh, tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán, thiên tai gây ra.