Người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận có đời sống văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trước tác động của nhịp sống hiện đại, giới trẻ không còn mặn mà với âm nhạc dân tộc; thế hệ nghệ nhân tâm huyết, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống nay đã lớn tuổi hoặc đã qua đời càng khiến cho các Lễ hội dân gian, nhạc cụ dân tộc của người Raglai đứng trước nguy cơ mai một.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã tăng cường mở các lớp truyền dạy sử thi, sử dụng nhạc cụ dân tộc để lớp trẻ hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đội văn nghệ xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận biểu diễn đánh Mã la. |
Theo tiếng Mã la trầm bổng, các thành viên đội văn nghệ xã Phước Bình say sưa biểu diễn. Từ ngày đầu còn bỡ ngỡ học cách cầm đàn, cách đánh Mã la, đến nay, chị Katơr Thị Tăng ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cùng đội văn nghệ xã Phước Bình đã tự tin đánh Mã la để phục vụ bà con.
Mỗi khi được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bác Ái, Ninh Thuận mời tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân ưu tú Mai Thắm ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đều sắp xếp công việc, dành thời gian để tham gia đứng lớp. Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm luôn cần mẫn, tỉ mỉ hướng dẫn cách đánh Mã La, cách thổi khèn bầu, đàn Chapi và cách phân biệt các bài nhạc sao cho phù hợp với từng lễ, hội khác nhau.
Nghệ nhân ưu tú Mai Thắm, Xã Phước Thắng huyện Bác Ái, Ninh Thuận hướng dẫn cho hoc sinh sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. |
Suốt bao năm qua, nghệ nhân ưu tú Katơr Thị Sính ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái, Ninh Thuận vẫn luôn đau đáu, trăn trở với việc lưu truyền sử thi của dân tộc mình, khi lớp người biết hát sử thi ngày càng lớn tuổi và cũng ít người trẻ muốn học hát sử thi. Vì vậy, khi được mời tham gia truyền dạy sử thi, nghệ nhân ưu tú Katơr Thị Sính rất vui mừng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, huyện Bác Ái, Ninh Thuận cũng đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2023 – 2026 và tầm nhìn đến năm 2030” gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ dân gian, khơi dậy và khôi phục “không gian văn hóa” Raglai.
Với việc mở các lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đang có kế hoạch đưa văn hóa độc đáo của cộng đồng người Raglai vào phục vụ phát triển du lịch. Để từ đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Raglai, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình trong đời sống hiện đại.
Đăng nhận xét