Tình hình tội phạm cố ý gây thương tích do đối tượng thanh thiếu niên và một số biện pháp ngăn chặn

Yêu Ninh Thuận 08/06/2024
Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là quan trọng để nắm bắt tâm tư tình cảm của tuổi vị thành niên và phòng ngừa sai phạm.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc do các nhóm, đối tượng là thanh thiếu niên sử dụng hung khí như: dao, kiếm, mã tấu, ống tuýt sắt, hung khí tự chế...để giải quyêt mâu thuẫn gây hậu quả rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Đối với huyện Ninh Sơn xuất hiện một số tình hình, vụ việc các em sử dụng dao, gậy sắt giải quyết mâu thuẫn cá nhân; một số em học sinh từ những mâu thuẫn nhỏ, đã lôi kéo thêm bạn bè tụ tập đánh nhau, quay Clip đưa lên mạng xã hội.

Có những vụ việc khi các em gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT trên địa bàn, tạo nên những dư luận lo lắng trong Nhân dân...như vụ cố ý gây thương tích tại xã Mỹ Sơn vào ngày 12/5/2024 tại quán Trà sữa “Bảo T” thôn Phú Thuận, em Nguyễn Đức H (NS 2008) đang uống nước cùng bạn bè thì bị đối tượng Phạm Võ Gia Hòa (SN 2008) dùng dao chém gây thương tích vùng cánh tay trái phải đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Ninh Thuận...

Tình hình tội phạm cố ý gây thương tích do đối tượng thanh thiếu niên và một số biện pháp ngăn chặn
Hình ảnh bắt giữ một số thanh thiếu niên trộm cấp.

Qua công tác điều tra, xử lý, nắm tình hình có thể rút ra một số nguyên nhân của các vụ việc do các em ở độ tuổi thanh, thiếu niên gây ra dẫn đến vi phạm pháp luật, đó là:

  1. Các vụ việc đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, dẫn đến thách thức nhau trên các trang mạng xã hội, sau đó đối tượng kêu gọi, tụ tập, huy động các đối tượng khác cùng tham gia, chuẩn bị hung khí, giải quyết mâu thuẫn.
  2. Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi các em thanh, thiếu niên đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên dễ bị lôi kéo, kích động.
  3. Sự quan tâm, giáo dục con cái của các bậc phụ huynh chưa thật sự được chú trọng; một số gia đình do hoàn cảnh mà ít có thời gian chăm sóc, hướng dẫn, chú ý đến con cái, nhất là việc các em làm gì, quan hệ xã hội như thế nào...chưa nắm hết được.
  4. Đối với các em là học sinh, việc phối hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình để nắm bắt tâm tư tình cảm của tuổi chưa thành niên để kịp thời uốn nắn, phòng ngừa sai phạm chưa cao; các tổ chức đoàn ở địa phương các em cư trú chưa có chương trình sinh hoạt thường xuyên, nhất là thời gian các em được nghỉ hè, nghỉ tết...
  5. Môi trường xã hội cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hướng đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách (cách đối xử ở xóm, làng, khu phố; du nhập văn hóa ngoài nước, nội dung xấu trên internet, các hành vi bạo lực trong các trò chơi điện tử…) mà trẻ mới lớn rất dễ học hỏi, làm theo.

Một số biện pháp, giải pháp để ngăn chặn, hạn chế việc các em thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, công tác trọng tâm sau:

* Đối với lực lượng Công an huyện Ninh Sơn:

  1. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh không để các “băng, nhóm” tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện.
  2. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên; xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp Nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.
  3. Phối hợp với đoàn thanh niên các địa phương tổ chức các hoạt động sinh hoạt đoàn cho các em trong các dịp lễ, tết và nghỉ hè, đảm bảo cho các em có những hoạt động lành mạnh, không tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật...

* Đối với các cấp ủy, chính quyền, các ban, nghành, đoàn thể, trường học và các bậc phụ huynh cần quan tâm nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Các cơ quan chức năng, các đoàn thể cần phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh.

Thứ hai: Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 3 môi trường, đó là nhà trường - gia đình - xã hội (địa phương) trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý giáo dục các em phát triển toàn diện.

Thứ ba: Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới sự phát triển tâm sinh lý và việc học tập của con em mình; đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, tư tưởng, các mối quan hệ của con em mình.

Thứ tư: Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho thanh thiếu niên có các hình thức sinh hoạt văn hoá lành mạnh; có kế hoạch động viên, cảm hoá, tạo việc làm cho trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về địa phương.

Thứ năm: Các cơ quan chuyên môn cần có sự quản lý, giám sát đối với cá cơ sở kinh doanh, giải trí tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời các cơ sở vi phạm…

Công tác phòng, ngừa ngăn chặn các em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật là trách nhiệm chung của toàn xã hội, lực lượng Công an huyện rất mong được sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các địa phương trong việc tuyên truyền, quản lý, giáo dục để các em không vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an trật tự trên địa bàn huyện.