Đẩy mạnh kết nối giao thông để phát triển kinh tế Ninh Thuận

QĐND 06/07/2024
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Ninh Thuận 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,07%, đứng thứ 14 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Đây là tín hiệu tích cực nhưng chưa tương xứng với địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch như Ninh Thuận. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, kết nối giao thông chính là tiền đề, là động lực thúc đẩy kinh tế của Ninh Thuận bứt phá trong thời gian tới.

Là địa phương ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, với bờ biển dài hơn 100km, Ninh Thuận sở hữu sự phong phú, đa dạng về sinh học, thiên nhiên tươi đẹp với nhiều địa điểm nổi tiếng như vịnh Vĩnh Hy, hòn Đỏ, bãi biển Ninh Chữ, vườn quốc gia núi Chúa..., bên cạnh đó là những nét văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ tại nhiều công trình kiến trúc và thường được tái hiện thông qua các hoạt động nghệ thuật.

Trong gần 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận thu hút gần 2 triệu lượt du khách (tăng 15,2% so với cùng kỳ, đạt 61,6% so với kế hoạch). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 51.000 lượt khách (tăng 155% so với cùng kỳ). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 2.242 tỷ đồng. Tuy có chiều hướng tích cực, nhưng đây vẫn là những con số có phần khiêm tốn so với tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa của Ninh Thuận.

Một trong số những yếu tố khiến ngành du lịch cũng như kinh tế của tỉnh chưa có sự bứt phá là do hạ tầng giao thông kết nối của Ninh Thuận chưa thực sự phát triển. Tỉnh cũng chưa có sân bay dân dụng nên ảnh hưởng đến nhu cầu di chuyển của du khách ở xa. Vì vậy, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành du lịch cũng như kinh tế Ninh Thuận.

Đẩy mạnh kết nối giao thông để phát triển kinh tế Ninh Thuận
Tuyến Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo kết nối Ninh Thuận với Khánh Hòa. Ảnh: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cung cấp.

Vấn đề này cũng đã được chỉ ra trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ninh Thuận cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh. Hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV trở lên; 100% tuyến đường tỉnh, đường địa phương được thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, bê tông xi măng.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận, để phát triển kết nối mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối với các vùng và khu vực trên cả nước, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng như: Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải (dài 13,07km) để nối đường ven biển với Quốc lộ 1; dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná với tổng chiều dài 14,8km; dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (tổng chiều dài 63,32 km)...

Đặc biệt, đối với lĩnh vực hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7-6-2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng. Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện công tác khảo sát, lập quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn theo quy định hiện hành do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.

Với những kế hoạch cụ thể đã được đề ra, cùng sự nỗ lực, sát sao trong chỉ đạo, lãnh đạo, sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động các công trình giao thông quan trọng, góp phần tăng cường kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh.

QĐND