Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Lê Duy Hoàn 27/08/2024
Tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Ninh Thuận có 33 dân tộc anh em cùng chung sống, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, bao gồm hệ thống văn hóa vật thể như đình, chùa, lăng miếu, đền, tháp Chăm; hệ thống văn hóa phi vật thể như lễ hội, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghề truyền thống... của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức tầm quan trọng của di sản đối với quá trình hình thành và phát triển địa phương, trong những qua, tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tỉnh Ninh Thuận.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần phát triển bền vững.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý nhà nước

Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; vì văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Ngày 15/6/2016, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ngày 05/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND về việc phân cấp trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của các cấp trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa.

Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, khẳng định mục tiêu phát triển văn hóa du lịch tỉnh Ninh Thuận mang tính đặc thù, văn minh, thân thiện, an toàn gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và đa dạng sinh học[1].

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định: "Xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp; phát huy ý chí, khát vọng phát triển trong thời kỳ mới. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là văn hóa Raglai, Chăm"[2].

Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" đã đề ra một cách toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận; trong đó: "Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa quê hương. Tăng cường tổ chức, đăng cai các hoạt động (sự kiện) văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô quốc gia và quốc tế; phát huy các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Ninh Thuận"[3].

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa: "Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện gắn với mục tiêu phát triển con người, có nét đặc sắc riêng, bảo tồn truyền thống tộc người Raglai, Chăm...; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống Nhân dân"[4].

Phát huy giá trị các di sản văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung các nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, tu bổ hệ thống các di tích, đảm bảo các hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về di sản; giữ gìn tối đa không gian, cảnh quan và các yếu tố gốc cấu thành di tích; các phương án tu bổ, tôn tạo đều được tham vấn ý kiến cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo đúng quy định và có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổ chức khảo sát, thống kê, sưu tầm Thư tịch cổ Chăm tại các làng Chăm trong tỉnh; phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II số hóa tài liệu các di sản; xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ năm 2016 đến năm 2023, toàn tỉnh đã đầu tư 34.073.700.000 đồng để trùng tu, sửa chữa các di tích; trong đó, ngân sách nhà nước là 25.594.000.000 đồng, Nhân dân đóng góp là 8.479.700.000 đồng[5].

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Tổ chức phổ biến dân ca, nhạc cụ cổ truyền Chăm và Raglai; nghiên cứu và xuất bản các đầu sách về văn hóa, ngôn ngữ và các nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Raglai, Chăm; tổ chức giảng dạy chữ Chăm, chữ Raglai.

Vai trò tham gia của các chức sắc tín ngưỡng dân gian và các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được thể hiện đậm nét; đề cao vai trò những cá nhân nắm giữ và thực hành di sản văn hóa phi vật thể, là nhân tố vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý báu của các dân tộc trong tỉnh. Thường xuyên tổ chức các đoàn chức sắc, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian các dân tộc Chăm, Raglai tham gia Ngày hội văn hóa, du lịch trong nước và quốc tế, như "Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam", "Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm toàn quốc", "Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội", "Festival Di sản Quảng Nam", "Đoàn ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận tham gia biểu diễn tại Ấn Độ"... các hoạt động đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; nâng cao ý thức tự bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, là điều kiện để các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa mà mình đang nắm giữ, giao lưu, quảng bá văn hóa, vùng đất, con người Ninh Thuận đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức rà soát, lập hồ sơ phong tặng Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân đang nắm giữ và thực hành về lễ hội dân gian, lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm của người Chăm; lễ Bỏ mả, chế tác và trình diễn nhạc cụ, chữ viết của người Raglai; nghệ thuật Múa Náp trong lễ Cầu Ngư, Đờn ca tài tử, thể hiện sự quan tâm, trân trọng của Nhà nước đối với các nghệ nhân, tạo động lực để các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng, dòng tộc và gia đình.     

Thường xuyên kiện toàn các ban quản lý di tích ở địa phương, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hàng năm, tổ chức hội nghị đối thoại với đại diện các ban quản lý di tích, ban đại diện di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật mới có liên quan đến di tích và lễ hội; kịp thời trao đổi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý di tích.

Thực hiện công tác bảo tồn làng nghề truyền thống, các di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch của tỉnh, cơ sở hạ tầng ở các làng nghề truyền thống được quan tâm đầu tư, như làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ, làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Năm 2018, tỉnh thực hiện dự án nhà truyền thống dân tộc Chăm thuộc dự án bảo tồn làng gốm Bàu Trúc với tổng mức đầu tư trên 19 tỷ đồng (trong đó Chương trình hợp tác của nước ngoài 13 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh 6 tỷ đồng) nhằm phục vụ giới thiệu nghệ thuật làm gốm cho khách tham quan.

Kết hợp khai thác du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống... Hình thành các tuyến tham quan du lịch gắn với di sản văn hóa, như tuyến: Tháp Pô Klong Garai - Vườn Nho Ba Mọi - làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được du khách đánh giá cao vì phù hợp lộ trình và khám phá được nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa có giá trị. Làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đều có Hợp tác xã sản xuất, có nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm đến du khách tham quan, có không gian rộng, thoáng để trình diễn nghề. Nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nghệ thuật làm gốm, tỉnh Ninh Thuận khuyến khích sử dụng gốm Chăm làm quà tặng đại biểu, khách mời tham gia các sự kiện quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương[6].

Việc UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" là cơ sở bảo vệ nghề làm gốm và nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tiến tới ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người làm gốm để họ yên tâm giữ nghề, giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tại Tháp Pô Klong Garai, Ban Quản lý di tích đã tổ chức các loại hình văn hóa kết hợp phục vụ du lịch như trình diễn nghệ thuật dân gian Chăm, trình diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm, quầy hàng lưu niệm, dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan di tích. Bên cạnh đó, triển khai tuyến du lịch cho du khách có nhu cầu tham quan các di tích, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh như “Chùa Ông - Chùa Bà - Chùa Kim Sơn - Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ - Trùng Sơn Cổ Tự”. Tổ chức khảo sát thực trạng điểm du lịch ở các địa phương, nhằm xây dựng các tour về phát huy tiềm năng các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa lịch sử, giới thiệu tham quan làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở các làng Chăm, sinh hoạt nhạc cụ Mả La của đồng bào dân tộc Raglai kết hợp với các di tích lịch sử (các cụm tháp Chăm, Bẫy đá Pinăng Tắc, đình làng trên địa bàn tỉnh); du lịch sinh thái cộng đồng gắn với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp (cây ăn trái đặc sản Lâm Sơn, vườn hoa Lan...); một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ (đàn Chapi, ná, gùi, tranh thêu, tranh ghép gỗ, điêu khắc…) và các lễ hội truyền thống của người Raglai nhằm giữ gìn, duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch.

Huyện Bác Ái đưa nhà sàn truyền thống Raglai vào khai thác phục vụ du khách lưu trú, kết hợp với các đội văn nghệ dân gian, đội Mả La, múa dân gian nhằm trải nghiệm tìm hiểu về không gian văn hóa đặc trưng; ẩm thực truyền thống của dân tộc Raglai và Churu sinh sống trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Xây dựng các Hợp tác xã trên địa bàn huyện, vận động Nhân dân mở rộng sản xuất, nhất là các các sản phẩm mang tính đặc thù của Bác Ái để quảng bá giới thiệu như gùi, nỏ, đàn Chappi, rượu cần.

Huyện Ninh Phước lưu giữ các di sản văn hóa Chăm gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, đặc biệt là khai thác các di sản văn hóa, xác lập các điểm, tuyến du lịch như: Nhà Trưng bày gốm Bàu Trúc - các cơ sở sản xuất gốm - Đền Pô Klong Chanh - Tháp Pô Rômê - Đền Pô Inư Nưgar; Tuyến Nhà trưng bày dệt Mỹ Nghiệp - Các cơ sở dệt - Đền Pô Ly Yak - Bãi đá Kazan - Ao Sen...

Huyện Ninh Hải gắn hoạt động làng nghề truyền thống của địa phương cùng bản sắc văn hóa đặc thù của người Chăm, người Raglai hình thành du lịch cộng đồng đặc thù của huyện. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh tại làng nho Thái An, làng du lịch Vĩnh Hy, làng nghề thủ công mỹ nghệ, sinh hoạt nhạc cụ Mả La của đồng bào dân tộc Raglai thôn Cầu Gãy, Đá Hang, xã Vĩnh Hải; làng nghề thuốc Nam của đồng bào Chăm xã Xuân Hải... góp phần phát triển và bảo tồn làng nghề truyền thống ở địa phương.

Các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Phần lớn các lễ hội của các dân tộc trong tỉnh Ninh Thuận thuộc loại hình lễ hội truyền thống, đó là hệ thống các lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian như lễ hội cúng Xuân, cúng Thu hàng năm tại các đình, đền, lăng, miếu, lễ cúng biển, cầu ngư của người Kinh; lễ hội Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm; lễ Bỏ mả, ăn đầu lúa, lễ báo hiếu của đồng bào Raglai... đều được duy trì và phát huy có hiệu quả.

Đối với ngư dân vùng ven biển duy trì tổ chức Lễ hội Đua thuyền rồng, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, thể thao như đua thuyền rồng, mở lạch vươn khơi, lễ hội đã thu hút đông đảo ngư dân vùng ven biển trong tỉnh cùng đến tham gia, trải nghiệm, tạo nên không khí thi đua sôi nổi để chủ động vươn khơi bám biển, khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng. Các lễ hội, nghi lễ nằm trong hệ thống lễ Cầu Ngư của ngư dân ven biển được xem là một trong những nét đẹp, di sản văn hóa độc đáo, đậm chất truyền thống của ngư dân vùng biển. Lễ hội Cầu Ngư tại tỉnh Ninh Thuận đã tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống bằng diễn xướng dân gian như: Hò Bả trạo, Múa Náp, hát Lăng (hát tuồng, hát bội) và các trò chơi dân gian vùng biển tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển, góp phần tạo nên nền tảng để xây dựng bản sắc văn hóa Ninh Thuận.

Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, du lịch gắn với chương trình xúc tiến du lịch và quảng bá văn hóa, nghệ thuật đến với bạn bè trong và ngoài nước. Năm 2018, theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm sang biểu diễn tại Ấn Độ trong chương trình Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị làm gốm truyền thống của người Chăm". Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, văn hóa, con người Ninh Thuận, tạo điều kiện thu hút khách du lịch và doanh nghiệp đầu tư vào Ninh Thuận. Tổ chức và mời các doanh nghiệp du lịch tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại các sự kiện, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại các lễ hội văn hóa, hội chợ du lịch... đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, góp phần quảng bá các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Những kết quả đạt được về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. Từ đó, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của chủ thể từng di sản văn hóa nói riêng và của Nhân dân nói chung được cải thiện. Hệ thống di sản văn hóa trên địa bản tỉnh được quan tâm đầu tư, nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


[1] Quyết định số 555/QĐ-UBND, ngày 3/10/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

[2] Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Xb 2020, tr. 73.

[3] Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 25-10-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".

[4] Quyết định số: 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-11-2023, về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[5] Báo cáo số 441-BC/TU, ngày 06-5-2024 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

[6] Văn bản số 1527/UBND-VXNV, ngày 07-5-2024 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc sử dụng sản phẩm gốm Chăm làm quà tặng.

Lê Duy Hoàn