Cảng biển Cà Ná: Động lực thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm tỉnh Ninh Thuận

ĐCSVN 16/08/2024
Cảng đã tiếp nhận tàu quốc tế có trọng tải trên 55.000 tấn để vận chuyển hàng hóa an toàn, tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam) đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực duyên hải miền Trung, góp phần giải tỏa áp lực các Cảng biển miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 15/8, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cà Ná cho biết, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn thủ tục cho tàu African Blue Crane, quốc tịch Bahamas, có trọng tải 55.970 tấn, xuất phát từ Cảng Qinzhou, TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cập Cảng biển tổng hợp Cà Ná để bốc xếp hơn 44.000 tấn đá nghiền xuất khẩu sang Singapore.

Cảng biển Cà Ná: Động lực thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm tỉnh Ninh Thuận
Tàu African Blue Crane, quốc tịch Bahamas, cập Cảng biển tổng hợp Cà Ná để bốc xếp hơn 44.000 tấn đá nghiền xuất khẩu sang Singapore.

Trung tá Hà Tiến Sáng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cà Ná cho biết: Trên tàu African Blue Crane có 22 thuyền viên nước ngoài; trong đó, quốc tịch Ấn Độ 20 người, South African 1 người và Myanmar 1 người đã nhập cảnh vào Cảng biển tổng hợp Cà Ná thuận lợi. Đây là lần thứ 2 Cảng biển tổng hợp Cà Ná đón tàu quốc tế có trọng tải trên 55.000 tấn cập cảng để vận chuyển hàng hóa an toàn.

Cảng biển Cà Ná: Động lực thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm tỉnh Ninh Thuận
Đây là lần thứ 2 Cảng biển tổng hợp Cà Ná đón tàu quốc tế có trọng tải trên 55.000 tấn cập cảng để vận chuyển hàng hóa an toàn.

Cảng biển tổng hợp Cà Ná do Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam đầu tư, có tổng diện tích quy hoạch hơn 85,5ha, gồm: Hai bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container và hàng rời. Cảng có quy mô 25 bến tàu, đã đi vào hoạt động giai đoạn I từ tháng 4/2022 đến nay.

Sự kiện trên khẳng định Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực duyên hải miền Trung, góp phần giải tỏa áp lực các Cảng biển miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.

ĐCSVN