Hàng chục năm qua, gần 30 lò hấp cá nằm xen kẽ trong các khu dân cư ở hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, hằng ngày xả nước thải ra các hồ chứa lộ thiên khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm người dân mất ăn, mất ngủ.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ hôm 20 Tháng Tám, dù đeo khẩu trang y tế và đứng cách xa các lò hấp cá ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, gần 1 km, nhưng vẫn không chịu nổi mùi hôi thối từ nước xả thải của các lò hấp cá xộc vào mũi.
Lò hấp cá xả thải thẳng ra những hồ chứa lộ thiên làm bốc mùi hôi thối nồng nặc một vùng rộng lớn. |
Điều đáng nói là các lò hấp cá ở thôn Mỹ Tân 1 nằm sát với tỉnh lộ 702 đi đến vịnh Vĩnh Hy nên nhiều người dân, du khách thường đi xe gắn máy qua đây buộc phải nín thở.
Cô Trần Kim Ánh, ở tỉnh Bình Dương, cho biết tuyến đường từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đi vịnh Vĩnh Hy rất đẹp bởi vì một bên là biển, một bên là những cánh đồng muối trắng tinh, nhưng khi đi ngang qua khu vực có các lò hấp cá thì mùi hôi thối vô cùng khó chịu khiến nhiều người không dám quay lại.
“Chúng tôi đã chịu đựng mùi hôi thối này hơn chục năm nay. Cứ tới mùa hấp cá từ Tháng Sáu đến Tháng Chín là bị viêm mũi. Con cái tôi còn nhỏ nên mỗi lần tới mùa này là tôi phải sơ tán lũ nhỏ đến nhà dì ở thôn Mỹ Tường cách nhà khoảng 3 km để ở nhờ,” anh Châu Thanh Vũ, ở thôn Mỹ Tân 1, tức giận nói.
Nhiều người dân ở đây cũng bất bình cho hay hơn chục năm, họ buộc phải cam chịu sống chung với mùi hôi thối, dù nhiều lần phản ảnh đến chính quyền nhưng vẫn không làm gì được.
Ông Đào Thường, phó chủ tịch xã Thanh Hải, thừa nhận cho biết trên địa bàn xã hiện có 15 lò hấp cá đang hoạt động. Do đây là hoạt động thời vụ, lại chưa được sự quan tâm đầu tư của các chủ lò hấp cá nên tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên diễn ra.
“Hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Xã chỉ tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính,” ông Thường nói.
Người dân đeo khẩu trang đi ngang các lò hấp cá nhưng vẫn phải bịt mũi vì mùi hôi thối khủng khiếp. |
Trong khi đó, ông Đạo Quang Trưởng, trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường Huyện Ninh Hải, cho rằng các lò hấp cá đều hình thành tự phát, không theo quy hoạch sử dụng đất nên “chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.”
Tương tự, tại huyện Thuận Nam hiện có 14 lò hấp cá hoạt động tập trung ở xã Cà Ná và phần lớn nằm ven quốc lộ 1, xen kẽ trong các khu dân cư nên cũng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải rắn, khói thải… không thua kém huyện Ninh Hải.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trần Thuận, trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường Huyện Thuận Nam, cho biết từ năm 2018, huyện đã đề nghị tỉnh xây dựng cụm chế biến thủy sản, với diện tích 18 hécta để đưa các lò hấp cá tự phát vào. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Đăng nhận xét