Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển

SVVN 20/08/2024
Lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đi bộ, trèo đèo, leo vách đá, Linh và nhóm bạn không khỏi tê chân, mỏi gối vào ngày hôm sau.

Nghỉ Hè, nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển do hội nhóm 'Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam' phối hợp cùng Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) tổ chức.

Lần đầu tiên thấy rùa biển

Lê Nguyễn Trúc Linh (22 tuổi, ở TP. HCM) đã có một tuần trải nghiệm làm “bà đỡ” cho rùa biển tại Khu bảo tồn Rùa biển - Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận). “Dịp Hè này, mình muốn trải nghiệm cái gì đó mới mẻ hơn đi du lịch, nên đã quyết định đăng ký trở thành tình nguyện viên bảo tồn rùa biển”, Trúc Linh chia sẻ.

Tại đây, nhóm Linh được các tình nguyện viên địa phương lâu năm hướng dẫn. Công việc hằng đêm của tổ tình nguyện là trực từ 23h đến 3h sáng hôm sau ở các bãi để tìm ổ rùa đẻ, sau đó đem trứng về khu tập kết và ấp trứng cho đến khi chúng nở.

Để trở thành “bà đỡ” chính thức, nhóm tình nguyện phải trải qua khoảng thời gian trang bị kiến thức về các loại rùa biển, công tác cứu hộ, cũng như quy trình đỡ đẻ cho rùa thông qua các đợt tập huấn.

Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển
Trúc Linh (ngoài cùng bên phải) và các tình nguyện viên tham gia dọn rác khu vực gần biển. (Ảnh: NVCC)

Thời gian đầu, thời tiết không thuận lợi, rùa chưa lên đẻ nên tình nguyện viên chỉ đi tuần tra, theo dõi tình hình. Lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đi bộ, trèo đèo, leo vách đá, Linh và nhóm bạn không khỏi tê chân, mỏi gối vào ngày hôm sau.

Đợi đến ngày thứ năm, Linh mới được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc rùa đẻ. “Lần đầu tiên thấy rùa, mình rất sợ, vì nó to quá so với hình dung. Mình chưa bao giờ thấy con rùa nào nặng 90 - 100 kg như vậy. Nhưng rất nhanh sau đó, mình đã thấy hào hứng trở lại”, Linh kể.

Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển
Các tình nguyện viên tham gia trồng cây tại địa phương. (Ảnh: NVCC)

Trong khi rùa đẻ, nhóm tình nguyện yên lặng quan sát để quá trình đẻ của rùa diễn ra tự nhiên. Sau khi rùa đẻ và quay về biển thì cũng chính là lúc nhiệm vụ của các bạn bắt đầu.

Rùa lên bờ đẻ thường có xu hướng đào những ổ giả để tạo “lá chắn” bảo vệ trứng. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của nhóm Linh là phân biệt được ổ trứng thật và giả, sau đó, nhặt trứng đem về bãi tập kết, đào ổ và ủ trứng để tăng tỉ lệ trứng nở. Sau 45 ngày, trứng bắt đầu nở và tình nguyện viên sẽ hỗ trợ rùa con quay về biển.

Theo Linh, hoạt động quan trọng nhất trong việc bảo tồn rùa biển là cứu hộ trứng. “Trứng chỉ cần đụng nước biển là không nở được nên tình nguyện viên có mặt ở đây là để ngăn không để xảy ra việc đó”, Linh bày tỏ.

Hy vọng lan tỏa công việc bảo tồn rùa biển

Anh Châu Thanh Tân (nhóm trưởng nhóm tình nguyện "Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam") vui khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đăng ký trở thành tình nguyện viên bảo tồn rùa biển, góp phần vào quá trình bảo vệ thiên nhiên.

Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển
Tình nguyện viên địa phương đang đo kích cỡ rùa mẹ. (Ảnh: Thành Tâm)

“Sau khi thực hiện công tác bảo tồn, tỷ lệ sống sót của rùa con tăng lên gấp nhiều lần, từ 1/3 nâng lên 3/4 so với số lượng ban đầu”, anh Tân cho biết thành quả đạt được.

Ngoài hoạt động tuần tra đêm, nhóm tình nguyện viên còn tham gia các hoạt động bảo tồn khác tại Vườn quốc gia Núi Chúa như hỗ trợ người dân địa phương dọn rác ở các bãi biển, bãi rùa đẻ, hoặc dọn cỏ ở các vùng dân cư.

Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển
Rùa con được thả về biển khi đã cứng cáp. (Ảnh: Thành Tâm)
Một tuần làm 'bà đỡ' cho rùa biển
Anh Tân (thứ ba, từ trái sang) và nhóm tình nguyện viên chụp ảnh kỷ niệm sau một tuần hoạt động tại Vườn Quốc gia Núi Chúa. (Ảnh: NVCC)

Sau một tuần trải nghiệm, Thanh Bình (21 tuổi, ở TP. HCM, thành viên nhóm tình nguyện bảo tồn rùa biển) cho biết, năm sau Bình sẽ tiếp tục trở lại đây: “Mình cảm thấy các hoạt động tại đây rất bổ ích và hy vọng sẽ có nhiều người biết đến hơn, góp phần bảo tồn rùa biển nói riêng và các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng nói chung”.

SVVN