Năm học 2024 – 2025, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, các trường Tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang tập trung dạy tiếng Việt cho các em học sinh lớp 1. Việc tăng cường dạy tiếng Việt nhằm giúp các em tự tin hơn trong học tập và giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngay từ đầu năm học.
Buổi học đầu tiên cho con em dân tộc Chăm trước khi bước vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. |
Một buổi học đầu tiên của các em học sinh dân tộc Chăm Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận trước khi bước vào lớp 1. Để giúp các em giao tiếp thành thạo tiếng Việt, nhà trường bố trí mỗi lớp học có đến 4 giáo viên. Trong đó, một giáo viên dạy lớp 1 và 3 giáo viên ở các khối lớp khác đến hỗ trợ rèn luyện những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt.
Cô giáo Phạm Thị Phương Uyên, trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận cho biết mục đích việc giảng dạy cho các em trước khi vào học lớp 1: “Để giúp các em học sinh vào lớp 1 tự tin, không bở ngỡ, Nhà trường đã phân công cụ thể cho từng giáo viên. Trong đó các giáo viên sẽ chia nhỏ học sinh ra. Mỗi thầy cô giáo phụ trách 4-5 em để giảng dạy tiếng Việt, với mục đích giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, nhận biết được các chữ cái và cách cầm viết cơ bản nhất, qua đó các em sẽ dễ dàng hơn khi bắt đầu vào chương trình chính thức’’.
Giáo viên tận tỉnh chỉ dạy các em học sinh nhỏ. |
Huyện Thuận Bắc là địa phương đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận triển khai việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Do học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt, vì vậy, các giáo viên đều tăng cường tổ chức dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi, giao lưu văn nghệ và dùng các đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tự tin hơn trong sử dụng tiếng Việt.
Hiện nay, các Trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều dành 2 đến 3 tuần trước ngày Khai giảng để tổ chức dạy Tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1. Đây được xem là bước chuẩn bị cần thiết giúp các em bước vào năm học mới.
Năm học 2024 – 2025, Ninh Thuận có hơn 150 ngàn học sinh ở các cấp học, trong đó, học sinh lớp 1 hơn 12.600 em. Để nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, ngành Giáo dục và đào tạo đang tập trung tăng cường tiếng Việt cho học sinh để các em được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.
Đăng nhận xét