Đó là nhờ những sắc màu văn hóa của đồng bào Chăm, được thể hiện ngay tại di tích bằng những lễ hội, nhạc cụ và trang phục độc đáo. Nói cách khác, Tháp Chăm không chỉ là di tích, mà còn là nơi hội tụ cuộc sống làng Chăm.
Có mặt ở Ninh Thuận trong chuyến du lịch ngắn ngày, nhiều điểm đến buộc phải bỏ qua, nhưng hầu như du khách nào cũng có mặt ở Tháp Chăm này. Đây là tháp Pô Klong Garai - một di tích quốc gia đặc biệt. Tháp được xây dựng khoảng thế kỷ 13-14 và là một trong những Tháp Chăm đẹp nhất ở Ninh Thuận còn lại đến ngày hôm nay.
Nhưng điều lôi cuốn hơn với mọi du khách là khi đến đây, họ không chỉ được ngắm nhìn tuyệt tác của nền văn hóa Chăm mà còn được hòa trong cuộc sống làng Chăm.
Tại tháp Pô Klong Garai này, đồng bào Chăm trong vùng thường xuyên có mặt để thực hành nghi lễ tín ngưỡng. |
Tại tháp Pô Klong Garai này, đồng bào Chăm trong vùng thường xuyên có mặt để thực hành nghi lễ tín ngưỡng.
Anh Ngô Quang Hải Nguyện (Du khách) chia sẻ: "Tín ngưỡng này là điều thường nhật của đồng bào nên đã tô điểm rằng đây là nơi có lịch sử lâu đời".
Thuyết minh viên di tích cũng là người Chăm. Lời giới thiệu như đưa du khách về với ngày xưa trên miền đất tháp…
Di tích càng sống động đối với du khách khi ngay dưới chân tháp là những sắc màu văn hóa của đồng bào Chăm. Những điệu múa Chăm làm say đắm lòng người… Từ trang phục đến lễ vật hay những lời nguyện cầu, tất cả đều khác lạ với du khách.
Bà Hà, ngay khi có mặt ở tháp Chăm đã chọn trang phục Chăm như một cách để hòa mình thực thụ với cuộc sống làng Chăm.
Bà Nguyễn Thị Hà (Du khách) nói: "Khi đến Phan Rang là chúng tôi muốn hòa chung lễ hội người Chăm xưa, xem văn hóa Chăm như thế nào".
Dịp hè này, mỗi ngày, tháp Pô Klong Garai đón từ 800 đến 1 ngàn lượt khách. Đây là điều khá bất ngờ đối với người dân địa phương bởi lúc trước, thi thoảng mới có những đoàn khách đến với các Tháp Chăm ở Ninh Thuận.
Chị Hứa Thị Thu Sương - Thuyết minh viên di tích tháp tháp Pô Klong Garai, Ninh Thuận - cho biết: "Tháp Pô Klong Garai có vẻ đẹp nguyên vẹn, có người Chăm sinh sống đông nên cộng đồng tổ chức lễ cúng trên tháp, lượng khách ngày càng đông".
Không chỉ là di tích đang được bảo tồn mà thực sự là không gian văn hóa gắn với cuộc sống người làng Chăm, tháp Pô Klong Garai nhờ vậy đã tạo được sức hút đối với du khách.
Và ngược lại, khi có được sức hút đối với cộng đồng, di tích có sức sống thì đó cũng chính là cách bảo tồn hiệu quả nhất.
Đăng nhận xét