Tiếp tục chờ thi hành bản án có hiệu lực 10 năm

Pháp Luật Online 08/08/2024
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa thi hành bản án dân sự có hiệu lực hơn 10 năm nay.

Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản trả lời bà Võ Thị Quê (ngụ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) việc chậm, hoãn thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 10-9-2013 của TAND tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó, bà Võ Thị Quê có đơn khiếu nại Cục THADS tỉnh Ninh Thuận việc chậm, hoãn thi hành bản án trên.

Tiếp tục chờ thi hành bản án có hiệu lực 10 năm
Bà Võ Thị Quê bức xúc vì bị chiếm đất hơn 20 năm chưa được giải quyết xong. Ảnh: H.H

Người được thi hành án tiếp tục chờ đợi

Trong văn bản trả lời bà Quê, Chi cục THADS huyện Thuận Nam cho rằng các nội dung khiếu nại việc chậm tổ chức thi hành án, hoãn thi hành án có nội dung trùng lặp trước đó.

Do đó, Chi cục THADS huyện Thuận Nam chỉ lưu đơn, chờ kết quả xử phúc thẩm vụ kiện liên quan.

Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hồng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Ninh Thuận, nói cơ quan này đang rà soát lại quá trình thi hành bản án trên. Tuy nhiên, ông Hồng viện lý do đi công tác và thiếu nhân sự nên vẫn chưa có kết quả rà soát.

Trao đổi với PLO, bà Quê bức xúc nói: "Thửa đất của gia đình tôi bị chiếm giữ hơn 20 năm. Tôi đã gần 80 tuổi, chỉ mong muốn nhận lại tài sản của mình nhưng cơ quan thi hành án nhiều lần hứa hẹn rồi không thực hiện”.

Theo bà Quê, năm 2023, bà có đơn tố cáo ông Trần Thuận, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Thuận Nam, việc hoãn cưỡng chế thi hành án và dừng tổ chức thi hành án. Bà Quê cho rằng việc hoãn, dừng thi hành án là vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của bà.

Sau đó, Cục THADS tỉnh Ninh Thuận nói sẽ chỉ đạo Chi cục THADS huyện Thuận Nam tổ chức thi hành dứt điểm. “Sau khi tôi rút đơn tố cáo thì cơ quan thi hành án cũng không thực hiện thi hành án như đã cam kết”- bà Quê nói.

Hoãn thi hành án không biết đến bao giờ

Theo hồ sơ, năm 1992, bà Quê mua thửa đất rẫy trồng cây ăn trái tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (nay là xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) với diện tích hơn 5.500 m2.

Đến năm 2001, bà NTT đã đổ đất xây kiềng nhà, làm lò hấp cá trên diện tích 599 m2. Hai bên xảy ra tranh chấp.

Năm 2004, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định giải quyết khiếu nại, công nhận diện tích 599 m2 trên là thuộc quyền sử dụng của bà Quê; đồng thời buộc bà T phải tháo dỡ nhà, các công trình xây dựng trái phép trên phần đất này.

Đến năm 2007, bà Quê được UBND huyện Ninh Phước cấp giấy chứng nhận toàn bộ thửa đất. Tuy nhiên, bà T vẫn không thi hành tháo dỡ nhà, trả lại đất. Bà Quê kiện ra tòa.

Bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 10-9-2013 của TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Quê, buộc bà T phải tháo dỡ các công trình xây trái phép, hoàn trả 599 m2 đất cho bà Quê.

Sau khi bản án có hiệu lực, Chi cục THADS huyện Thuận Nam đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, bà T cố tình tránh né, trì hoãn thi hành án.

Tiếp tục chờ thi hành bản án có hiệu lực 10 năm
Căn nhà bị tòa án buộc tháo dỡ để trả lại đất cho bà Võ Thị Quê. Ảnh: H.H

Đến ngày 21-12-2021, Chi cục THADS huyện Thuận Nam ra quyết định cưỡng chế và ấn định thời gian cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, bà T ủy quyền cho ông M. gửi đơn tố cáo chấp hành viên cố ý làm trái khi ra thông báo cưỡng chế.

Tiếp đó, bà T khởi kiện yêu cầu bồi thường một kiềng nhà xây móng đá chẻ, một giếng nước phi 8, một cây dừa và chi phí bà T. bỏ ra để nâng nền trên thửa đất. Đồng thời, yêu cầu hủy các quyết định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Quê.

Bản án dân sự sơ thẩm ngày 15-3 của TAND huyện Thuận Nam đã bác yêu cầu khởi kiện của bà T; đồng thời đình chỉ xét xử đối với yêu cầu hủy các quyết định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà Quê.

Tòa cho rằng nguyên đơn không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Cùng với đó, các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm số 38.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng có thông báo không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Pháp Luật Online